Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 06/07/2025 16:07
Chủ nhật, 06/07/2025 06:07
TMO - Hà Tĩnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản, trong đó tập trung vào giám sát hành trình tàu cá và truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn lợi biển và từng bước hiện đại hóa theo hướng bền vững.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Hệ thống giám sát hành trình tàu cá được lắp đặt trên các phương tiện khai thác xa bờ, giúp cơ quan chức năng theo dõi hoạt động khai thác thực tế, đảm bảo đúng vùng, đúng tuyến.
Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác cũng được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Chuyển đổi số góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững. Tại cảng cá Cửa Sót, theo chia sẻ của một số ngư dân, họ đã dần thành thạo việc sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT VN, chủ động khai báo xuất cảng, nhập cảng ngay trên điện thoại thông minh.
Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đang từng bước tiếp cận với hình thức khai báo điện tử - điều trước đây vốn chỉ quen thực hiện trên giấy. Theo Lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, thời gian qua, để đưa hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử vào hoạt động đồng bộ.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho ngư dân, chủ tàu về quy trình sử dụng phần mềm eCDT VN với các thao tác như: khai báo tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, ghi nộp nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng, tạo hồ sơ đề nghị cấp các loại giấy xác nhận cần thiết; tăng cường tuyên truyền về phần mềm khi ngư dân đến làm thủ tục tại cảng;…
Từ đầu năm 2024, nhằm phục vụ công tác kiểm soát sản lượng khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản - yếu tố quan trọng hàng đầu để gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC), Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN&MT) đã chính thức triển khai "Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)".
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 3.981 tài khoản cho các tàu cá tham gia khai thác; đồng thời thiết lập tài khoản quản trị cho các đơn vị đầu mối trong chuỗi quản lý như Chi cục Thủy sản tỉnh (5 tài khoản), Các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá (5 tài khoản) và Bộ đội Biên phòng tỉnh (1 tài khoản).
Qua quá trình áp dụng, gần 70% tàu cá cập các cảng cá chỉ định tại Hà Tĩnh đã thực hiện khai báo ra vào cảng, xuất nhập bến thông qua hệ thống này, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực thủy sản. Các đơn vị quản lý cũng đã tiến hành theo dõi, đánh giá, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và lập báo cáo trên ứng dụng.
Theo đánh giá, việc áp dụng nền tảng eCDT tạo điều kiện cho ngư dân có thể tự khai báo thông tin xuất - nhập cảng; ghi nhật ký khai thác các chủng loại và sản lượng thủy sản đánh bắt một cách minh bạch, nhanh chóng.
Đối với công tác quản lý của nhà nước, nhờ đồng bộ dữ liệu trên nền tảng điện tử, quá trình phối hợp giữa các đơn vị như BQL Các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng... thuận lợi hơn. Các đơn vị liên quan có thể theo dõi hành trình tàu, thống kê tần suất cập cảng và sản lượng trung bình theo từng kỳ; phát hiện sớm những bất thường trong hoạt động khai thác, phục vụ quá trình phòng chống IUU hiệu quả.
Ứng dụng truy xuất nguồn gốc thuỷ sản tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngư dân cũng như công tác quản lý.
Mặc dù hệ thống này mang lại nhiều tiện ích thiết thực song quá trình triển khai tại Hà Tĩnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ghi nhận thực tế, ngư dân mới chủ yếu sử dụng hệ thống để gửi yêu cầu xuất cảng, rời cảng; trong khi chức năng ghi nhật ký khai thác - yếu tố quan trọng để truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng nhiều.
Phần lớn nguyên nhân đến từ việc ngư dân còn hạn chế kỹ năng công nghệ, thiếu thiết bị hỗ trợ và tâm lý e dè khi chuyển từ phương thức khai báo giấy sang nền tảng số. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực tế, hoạt động đánh bắt lênh đênh trên biển vốn thiếu ổn định; môi trường trên tàu thường xuyên ẩm ướt, nước biển dễ xâm nhập làm hư hỏng thiết bị điện tử trong khi kết nối internet ở nhiều vùng biển xa lại không đảm bảo, gây khó khăn cho việc cập nhật dữ liệu trên ứng dụng.
Trước những khó khăn đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân. Từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn sử dụng hệ thống eCDT cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp tại các cảng cá chỉ định. Các nội dung tập huấn không chỉ dừng lại ở thao tác sử dụng phần mềm mà còn giúp nâng cao nhận thức về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong phát triển nghề cá bền vững.
Đại diện Phòng Quản lý Khai thác thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC. Qua đánh giá, công cụ này mang lại nhiều ưu điểm, vừa tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản khai thác vừa tạo thuận lợi cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng nền tảng này cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp tại các cảng cá chỉ định; quan tâm nghiên cứu mở rộng cho các bến cá nhỏ lẻ tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục theo dõi hoạt động của hệ thống để kiến nghị Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư khắc phục các điểm còn tồn tại, hạn chế nhằm hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân trong quá trình thực hiện.
Việc triển khai phần mềm eCDT tại Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách trong lộ trình gỡ “thẻ vàng” IUU mà còn mở ra hướng đi mới trong hiện đại hóa quản lý nghề cá. Dù còn một số khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài, eCDT sẽ là công cụ hữu hiệu trong nâng cao tính minh bạch và giá trị của thủy sản khai thác tại địa phương.
Chuyển đổi số trong khai thác thủy sản là bước đi tất yếu giúp Hà Tĩnh nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn lợi biển và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ hỗ trợ giám sát hoạt động khai thác minh bạch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong bối cảnh tài nguyên biển đang chịu nhiều sức ép, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để ngành thủy sản Hà Tĩnh phát triển ổn định, hiệu quả và theo đúng định hướng bền vững trong thời gian tới.
Mai Hoa
Bình luận