Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 15/11/2024 01:11
Thứ bảy, 09/11/2024 05:11
TMO - Tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn đã có tác động rất lớn đến đời sống Nhân dân cũng như trong sản xuất; đặc biệt, trong những tháng cao điểm hạn, mặn đã khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Trước thực tế đó, “Chương trình nhân rộng mô hình lưu trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” được triển khai đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.
Trong những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) vô cùng phức tạp, thời tiết cực đoan, hạn hán, sạt lở, bão lụt, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt… đã ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL. Ưu điểm chính của khu vực ĐBSCL là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài các tuyến 14.826km; trong đó đường thủy nội địa quốc gia là 2.882km, đường thủy nội địa địa phương 11.944km.
Nhưng đây cũng là yếu tố bất lợi cho khu vực vào mùa khô, mùa cạn khi lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong giảm thấp, tạo điều kiện cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người trong khu vực. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học (Viện Khoa học tài nguyên nước), với tình hình hiện tại, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng.
Đây là thiệt hại trong hoạt động sản xuất cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Song, các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, 2040 và 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên diện rộng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để thích ứng, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp trước mắt là ngăn mặn, thì về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, xác định cụ thể thứ tự ưu tiên nhằm đảm bảo nguồn nước vì mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt cần chú trọng và nhân rộng những mô hình lưu trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp cho người dân.
Trước tình hình đó, để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, Đảng và Nhà nước, các sở ban ngành địa phương cùng với các chuyên gia nghiên cứu tìm những phương án, giải pháp hiệu quả, bền vững để cùng nhau đối đầu trước thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL. (Ảnh minh hoạ).
Cùng chung tay với chính quyền địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trong việc cải thiện tình trạng thiếu nước phục vụ các hoạt động canh tác và nước sinh hoạt vào mùa khô, giúp người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn với trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam là đơn vị điều hành chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL” do tổ chức Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ năm 2023 – 2024 đã tích cực triển khai các hoạt động liên quan.
Chương trình hỗ trợ cộng đồng đã được triển khai từ tháng 8/2023 đến nay. Trong giai đoạn đầu của chương trình, các chuyên gia đã nghiên cứu, khảo sát tại các địa phương trong khu vực và chọn ra 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre.
Hiện nay, chương trình vừa hoàn thành giai đoạn 3, về cơ bản đã hoàn tất việc lắp đặt các mô hình trữ nước (50m3) và hệ thống tưới tiết kiệm trong nông nghiệp cũng như lắp bồn nước (mỗi bồn có thể tích từ 3.000 - 5.000 lít) và hệ thống xử lý nước sinh hoạt để người dân kịp thời trữ nước mưa cho mùa khô năm sau.
Mỗi tỉnh lắp đặt 10 mô hình và hệ thống nước tưới trong nông nghiệp cùng 10 bồn chứa nước và hệ thống xử lý nước sạch trong sinh hoạt. Riêng tỉnh Trà Vinh lắp đặt 12 bồn chứa nước sinh hoạt. Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt vật chất đến từng hộ dân, ban quản lý chương trình cũng đã triển khai các buổi tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng nước hiệu quả, cách lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống xử lý nước sinh hoạt… để người dân có thể chủ động thực hiện trong cuộc sống hằng ngày và hướng dẫn những hộ lân cận.
Người dân xếp hàng lấy nước phục vụ sinh hoạt. (Ảnh minh hoạ: LP).
Bên cạnh đó, Đại diện Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) đã đề xuất hướng dẫn người dân trữ nước ngọt; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng; nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao; sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn; trữ nước ngọt ở ven biển, có thể xây dựng hồ chứa nước ngọt như Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre đã làm để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.
ĐBSCL là phần hạ lưu sông Mekong với hai nhánh đổ ra biển là sông Tiền và sông Hậu. Diện tích toàn châu thổ là 36.000km2, trong đó diện tích có thể trồng trọt được khoảng 2,1 triệu hecta và đã trồng lúa 1,5 - 1,6 triệu hecta.
So với cả nước, diện tích ĐBSCL chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90%; thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, có thể nói ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước mà còn là trung tâm xuất khẩu nông sản hàng đầu của quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào mùa khô, nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công và dự báo còn chịu nhiều biến động, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và đe dọa về an ninh nguồn nước cho ĐBSCL.
Trong bối cảnh diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, biến động bất thường và thường xuyên hơn, việc triển khai các chương trình tương tự như “Chương trình nhân rộng mô hình lưu trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL” là hoàn toàn cần thiết để giúp người dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL, từ đó ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt cho người dân tại đây.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; vận động hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống ô nhiễm nguồn nước; thay đổi tập quán canh tác, thích ứng với điều kiện nguồn nước từng vùng…để có những giải pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn phù hợp.
Nguyễn Ánh
Bình luận