Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 18:01
Thứ tư, 15/01/2025 13:01
TMO – Kon Tum sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng khoa học, công nghệ; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị.
Theo đó, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt) nêu rõ: Đến năm 2025, Kon Tum hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng khoa học, công nghệ; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, khu vực động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm thực hiện các dự án đầu tư công nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh.
Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp chế biến thực phẩm (chế biến nông - lâm sản); sử dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, chế biến nông thủy sản và quản lý nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tiếp tục thu hút công nghệ chế biến mủ cao su, cà phê, sản phẩm dược liệu… nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh có lợi thế. Ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Ngoài khu, cụm công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, các dự án có tính chất đặc thù không thể sản xuất trong khu, cụm công nghiệp (các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, dự án sản xuất vật liệu xây dựng…).
Tỉnh Kon Tum sẽ chú trọng phát triển ngành dịch vụ - đô thị mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đầu tư hình thành Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, sản phẩm dịch vụ du lịch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính - ngân hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông.
Kon Tum - một trong những địa phương khu vực Tây Nguyên có thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp. Ảnh minh họa.
Phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có địa hình phù hợp, khu chăn nuôi tập trung, không đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình tại các khu đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, không đảm bảo về khoảng cách và xử lý môi trường. Đầu tư hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, đảm bảo công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Khuyến khích, tạo cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục... Có các cơ chế chính sách thuận lợi để các tập đoàn kinh tế lớn trong nước có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh trong một số lĩnh vực then chốt như: công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông thụ động, hạ tầng bưu chính, năng lượng tái tạo, đô thị, du lịch dịch vụ… nhằm từng bước liên kết, hình thành các chuỗi giá trị.
Trước đó, ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen.
Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Phát triển “Ổn định, bển vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Về phương án hệ thống đô thị, theo Quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh Kon Tum có 12 đô thị gồm: 01 đô thị loại II: Thành phố Kon Tum. 05 đô thị loại IV: Thị xã Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). 06 đô thị loại V: Thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) và thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy); thị trấn Kon Rẫy (trung tâm huyện lỵ huyện Kon Rẫy); thị trấn Ia H'Drai (trung tâm huyện lỵ huyện Ia H'Drai); thị trấn Tu Mơ Rông (trung tâm huyện lị huyện Tu Mơ Rông); dự kiến thành lập 01 đô thị mới tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy)…/.
VĂN NHI
Bình luận