Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 13:01
Thứ hai, 10/06/2024 14:06
TMO - Tỉnh Kon Tum với điều kiện khí hậu, thời tiết, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Nhằm phát huy những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh đang tập trung các nguồn lực để phát triển dược liệu, mục tiêu đưa Kon Tum trở thành vùng trọng điểm dược liệu của quốc gia.
Tháng 5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2232/KH-UBND (ngày 13/7/2022) nhằm cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ; xây dựng đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030 phấn đấu sớm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại các loại cây dược liệu mũi nhọn, cây chiến lược của tỉnh như sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến, sâm cau để người dân biết và áp dụng trong sản xuất. Các đơn vị cũng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lấy mẫu bệnh phẩm trên cây sâm Ngọc Linh để phân tích, tìm nguyên nhân gây bệnh; từ đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phòng trừ, nhằm giảm tối đa thiệt hại cho người trồng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành xây dựng và ban hành hướng dẫn trình tự xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sâm Ngọc Linh để làm cơ sở cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giống dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tìm mua giống dược liệu có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; vận động, phối hợp Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô hỗ trợ cây giống cho xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) thiết lập vườn giống gốc, góp phần vào việc cung ứng giống cho địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 2.422ha sâm Ngọc Linh, đạt 53,82% mục tiêu Nghị quyết; 7.716,7ha các loại dược liệu khác; trong đó, dược liệu hàng năm là 5.607,7ha (đạt 70,09% mục tiêu Nghị quyết, dược liệu lâu năm 2.108,7ha, đạt 105,4% mục tiêu của Nghị quyết). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 5 cơ sở sản xuất giống cây dược liệu đạt 50% so với chỉ tiêu của Nghị quyết. Ngoài ra còn có 10 trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng gieo ươm giống cây dược liệu cùng với 8 cơ sở chế biến dược liệu có quy mô vừa và lớn, điển hình. Ngoài ra, có nhiều hợp tác xã dược liệu cũng hình thành cơ sở chế biến nhỏ như Hợp tác xã dược liệu Mường Hoong, Hợp tác xã dược liệu Đăk Viên.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác lợi thế, thúc đẩy kinh tế dược liệu góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Tu Mơ Rông là vùng trồng dược liệu lớn của tỉnh. Huyện xác định Nghị quyết 14 của Tỉnh uỷ về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu và kế hoạch số 2232 của UBND tỉnh là kim chỉ nam để phát triển, nâng tầm cây dược liệu. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, địa phương này đã hình thành vùng dược liệu với diện tích hơn 3.000ha.
Dược liệu Tu Mơ Rông đa dạng, nhiều loại như sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến, sơn tra, ngũ vị tử, đương quy được chế biến thành thực phẩm, nước uống, rượu, nước giải khát với hàng chục sản phẩm OCOP 3, 4 sao, nhiều sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Những loại này hiện đã có thương hiệu, được cộng đồng khắp nơi biết đến, chọn sử dụng để nâng cao sức khỏe. Huyện sở hữu một sản phẩm du lịch độc nhất vô nhị là du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh.
Năm 2023, trong số 10.000 khách du lịch đến huyện trải nghiệm, đa phần đều đến tham quan vườn sâm, thác Siu Puông. Người dân đã mạnh dạn vay vốn đề phát triển kinh tế dược liệu, năm 2022, vốn vay đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Năm 2023, người dân tiếp tục vay 94 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2022 để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, ngoài việc mở rộng diện tích trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm giá trị dược liệu. Trong đó, sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm dược liệu chất lượng cao để xuất ngoại.
Tại huyện Đăk Glei, UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khoá XVI “về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong những năm qua, huyện Đăk Glei đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh. Huyện Đăk Glei cũng xác định tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, sơn tra, đương quy, quế, nghệ, gừng... tại các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, như: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong, Đăk Plô.
Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cây giống dược liệu cho các hộ nghèo, cận nghèo. đến nay, huyện Đăk Glei đã trồng hơn 984 ha cây dược liệu; trong đó, sâm Ngọc Linh hơn 40ha. Đã hình thành 10 Hợp tác xã hoạt động đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Các mô hình trồng cây dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Với đặc thù hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cây dược liệu được xem như cây trồng hiệu quả ở huyện Đăk Glei, giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Để các loại cây dược liệu này trở thành cây hàng hóa và huyện trở thành vùng trồng dược liệu trong điểm của tỉnh, huyện Đăk Glei tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào huyện và hình thành chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài việc mở rộng diện tích trồng, các địa phương tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào huyện và hình thành chuỗi liên kết sản xuất dược liệu.
Năm 2024, kế hoạch của tỉnh là thực hiện trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh; 1.560 ha các loại cây dược liệu khác (trong đó cây dược liệu hàng năm 1.400ha, cây dược liệu lâu năm 160ha); khai thác 200 tấn dược liệu từ tự nhiên (cu ly, máu chó). Để đảm bảo mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp và các đơn vị, các địa phương tập trung rà soát đất đai, xây dựng chương trình, chuẩn bị nguồn giống; tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã đăng ký trồng rừng, trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành vườn giống sâm Ngọc Linh tại Hợp tác xã dược liệu Mường Hoong, Ngọc Linh và Trung tâm nhân giống dược liệu quý tại huyện Tu Mơ Rông để cung ứng giống cho người dân; tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu.
Tỉnh Kon Tum hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về dược liệu; sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; Phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Địa phương này phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, phấn đấu diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); diện tích trồng cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống;
Đến năm 2030, diện tích vùng trồng dược liệu tập trung đạt khoảng 25.000 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây); Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn. Hình thành mới 5 cơ sở sản xuất giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu…/
Hồng Thắm
Bình luận