Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 14:07
Thứ năm, 03/07/2025 05:07
TMO - Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị nông sản. Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
An Giang đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất. Nhiều mô hình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã mang lại kết quả tích cực, giúp người dân giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm.
Đồng thời, An Giang khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc hình thành nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ không chỉ góp phần phát triển kinh tế nông thôn mà còn tạo tiền đề quan trọng để An Giang thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang cho biết, với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, An Giang đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Đồng thời, duy trì, nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái - hữu cơ để cải tạo, bảo vệ môi trường… Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm…Công tác chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, các chương trình để phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm thực hiện.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn; thường xuyên tìm kiếm, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới cũng được đẩy mạnh. Qua đó, đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất nông nghiệp và không ngừng cải thiện diện mạo nông thôn…
Song song, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp canh tác nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, như: Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chăn nuôi tuần hoàn; kinh tế dưới tán rừng; trữ cá tự nhiên, nuôi bổ sung cá mùa lũ và dưỡng lúa chét; trữ cá tự nhiên, nuôi bổ sung cá, kết hợp trồng sen và làm du lịch sinh thái; trồng lúa ngập sâu mùa lũ… góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Phương thức canh tác lúa thông minh được người dân An Giang tích cực áp dụng.
Đáng chú ý, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2020 - 2025 đạt 131.603 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3,35%/năm (vượt so nghị quyết đề ra là 2,8%/năm). Tỉnh duy trì sản lượng ổn định trên 4 triệu tấn/năm. Diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt 87% - 90%, vượt chỉ tiêu 85%. Diện tích áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt 54,9%, vượt mục tiêu 50%. Ngoài ra, tỉnh có 210 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên của 140 chủ thể kinh tế…
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong tỉnh chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 233 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã hoạt động. Trong đó, có 83 hợp tác xã liên kết với gần 40 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 20 hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số…
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp và Môi trường cần đóng vai trò tiên phong trong tái cơ cấu không gian phát triển nông nghiệp, khai thác hiệu quả thế mạnh mới của tỉnh sau hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang. Trong đó, tập trung phát huy lợi thế vùng ngọt - lợ, vùng nuôi biển - rừng ngập mặn của khu vực Hà Tiên - Kiên Lương - U Minh Thượng; kết hợp chặt chẽ với vùng lúa - cá, nếp - cây ăn trái, rau màu công nghệ cao của vùng Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới. Đồng thời, chủ động đề xuất quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên biệt, sản phẩm chủ lực theo địa bàn cũ - mới.
Đặc biệt, xác định phát triển nông nghiệp xanh - tuần hoàn - hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là yêu cầu chiến lược. Tăng cường phối hợp các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung đề xuất các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phát triển sinh kế bền vững cho nông hộ, giảm phụ thuộc vào hóa chất, phân bón vô cơ.
Đồng thời, xử lý triệt để các vấn đề môi trường tồn đọng, chú trọng hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải nông thôn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, các cụm công nghiệp. Bên cạnh, cần đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học trong sản xuất - quản lý, đặc biệt là hệ thống mã số vùng trồng, vùng nuôi, nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, bản đồ số hóa tài nguyên đất - nước - môi trường phục vụ quản lý thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu…
Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ đang mở ra hướng đi mới cho An Giang trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, mô hình này còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường sống. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích liên kết chuỗi và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để An Giang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và lâu dài.
Thu Trang
Bình luận