Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 21:07
Thứ năm, 03/07/2025 11:07
TMO - Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai tiếp tục là "thủ phủ" cây công nghiệp của cả nước với diện tích đạt gần 511,5 nghìn hécta. Một số cây công nghiệp chủ lực có diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: cao su, điều, hồ tiêu.
Tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển cây công nghiệp lâu năm với diện tíchgần 93,2 nghìn hécta. Các cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh với diên tích lớn đã hình thành được những vùng chuyên canh. Cụ thể, sản lượng hạt điều của tỉnh hiện đạt hơn 48 nghìn tấn; hồ tiêu đạt hơn 27,1 nghìn tấn; sản lượng mủ cao su đạt hơn 33,9 nghìn tấn…
Những năm qua, nông dân tại các địa phương đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác bền vững, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tỉnh cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn những cây công nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng Nai cũng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, sơ chế, chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như cao su, điều, cà phê… của tỉnh thuộc tốp đầu cả nước.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp lâu năm.
Tỉnh Bình Phước (cũ, nay là Đồng Nai) có tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm chủ lực gồm có cây điều, cây cao su, cây tiêu và cây cà phê với hơn 419.000 ha, trong đó cây cao su chiếm 26%, cây điều chiếm 50,6% diện tích cả nước. Địa phương này phát triển cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây công nghiệp; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp...
Bình Phước (cũ) thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; từng bước chuyển đổi số trong sản xuất cây công nghiệp, kết nối chế biến và xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm cây công nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, kết nối giữa người sản xuất, vùng sản xuất với thương mại và người tiêu thụ. Bình Phước (cũ) thu hút được 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 hợp tác xã (HTX), diện tích khoảng 4,5 nghìn hécta, chuỗi điều hữu cơ khoảng 3,5 nghìn hécta. Với cây hồ tiêu, tỉnh cũng hình thành được chuỗi liên kết với gần 2,5 nghìn hécta.
Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai (mới hiện nay) diện tích gần 511,5 nghìn hécta, tỉnh Đồng Nai (mới) tiếp tục là “thủ phủ” trồng các loại cây công nghiệp của cả nước. Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai phát triển cây công nghiệp chủ lực phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệ chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến nâng cao giá trị gia tăng.
Nhằm tiếp tục khai thác lợi thế của “thủ phủ” cây công nghiệp lâu năm, thời gian tới tỉnh Đồng Nai Xây dựng và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường; sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hình thức liên kết hợp tác.Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển HTX cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hình thành và mở rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác và các liên minh sản xuất cây công nghiệp bền vững; hình thành mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Đồng Nai tiếp tục thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, sơ chế, chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu.
Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vũng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vũng.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ thiết bị, máy móc, mở rộng công suất của các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn chủ yếu là công nghệ dây chuyền tự động tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm chi phí trong sản xuất.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống tưới nước tự động để tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp để hình thành theo vùng nguyên liệu tập trung; Hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho chứa sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực.
Ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp tập trung, các công trình giao thông kết nối vùng sản xuất tập trung với các trục giao thông chính và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp.
Cùng với cây công nghiệp, sau khi sáp nhập, tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 4,1 triệu con; tổng đàn gia cầm đạt 35,9 triệu con. So với tổng đàn lợn trên cả nước là 31,8 triệu con, tổng đàn gia cầm đạt 584,4 triệu con, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục giữ vị trí là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với tổng đàn lớn. Ngoài các vật nuôi chủ lực, với hàng nghìn hécta nuôi trồng thủy sản cùng diện tích mặt nước sông suối, ao hồ lớn, tỉnh Đồng Nai có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn đứng tốp đầu về mức tăng trưởng. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho lợi nhuận tốt không ngừng được nhân rộng.../.
Lê Oanh
Bình luận