Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 14:07
Thứ tư, 02/07/2025 04:07
TMO - Tỉnh Lai Châu thời gian qua luôn chú trọng phát triển ngành chăn nuôi gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật và tiêm phòng định kỳ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi và ổn định sinh kế vùng cao.
Tỉnh Lai Châu coi chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế chủ lực giúp người dân vùng cao cải thiện thu nhập. Với đặc thù địa hình rộng, khí hậu phù hợp, địa phương khuyến khích các hộ dân duy trì và mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê theo hình thức bán chăn thả gắn với kiểm soát dịch bệnh.
Nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ, huyện tăng cường công tác tiêm phòng định kỳ, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi và hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh. Các chương trình hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cũng được triển khai rộng rãi đến các bản làng vùng sâu, vùng xa.
Nhờ vậy, nhận thức của người dân về vai trò của chăn nuôi trong phát triển kinh tế từng bước được nâng lên. Nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần chuyển sang hình thức tập trung, hiệu quả hơn. Sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến người dân góp phần tạo nền tảng ổn định cho ngành chăn nuôi Lai Châu phát triển bền vững và thích ứng với điều kiện vùng cao.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi, bãi chăn thả rộng, nhiều đồng cỏ tự nhiên, nguồn thức ăn đa dạng, nhân lực dồi dào nên rất thích hợp cho gia súc, gia cầm phát triển.
Vì vậy, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô ngày càng lớn, theo hướng trang trại, gia trại nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng khả năng cạnh tranh của thị trường.
Người dân chủ động đầu tư con giống có chất lượng, chuyển đổi giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, khang trang đảm bảo các yếu tố môi trường. Tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, bà con chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cỏ voi cũng như tận dụng tối đa phụ phẩm từ trồng trọt (thân cây ngô, lạc, sắn, rơm, rạ, bã rượu…) để làm thức ăn cho vật nuôi, đặc biệt là dự trữ thức ăn vào mùa mưa, thời tiết giá lạnh. Các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề để nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi.
Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với xây dựng các mô hình và thực hiện đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển đàn vật nuôi, các tổ chức hội, đoàn thể xã, thị trấn giúp đỡ, tạo điều kiện, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Với nhiều điều kiện thuận lợi, Lai Châu rất thích hợp cho gia súc, gia cầm phát triển.
Để đảm bảo sức đề kháng cho vật nuôi, hàng năm, Lai Châu triển khai các đợt tiêm phòng, cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh an toàn.
Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, dễ xảy ra các dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn của địa phương đã chú trọng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn bà con làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc…
Từ đầu năm đến nay, Lai Châu đã tổ chức tiêm phòng hàng nghìn liều vắcxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò và vắcxin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn lợn. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi hộ gia đình.
Để giúp người dân phát triển các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo mọi điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục cho người dân vay vốn mở rộng sản xuất, tăng thu nhập”.
Tính đến hết tháng 3/2025, tổng đàn gia súc của Lai Châu xấp xỉ 375.000 con. Mục tiêu phát triển chăn nuôi gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh đang trở thành hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của Lai Châu. Thông qua sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, người dân đã chủ động hơn trong việc áp dụng kỹ thuật mới, tiêm phòng định kỳ và nâng cao nhận thức về vệ sinh chuồng trại.
Những chuyển biến tích cực trong sản xuất chăn nuôi không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà còn góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và ổn định kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, việc duy trì các chương trình hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả sẽ là chìa khóa để ngành chăn nuôi tỉnh Lai Châu phát triển bền vững; Từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc.
Hồng Anh
Bình luận