Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ sáu, 05/04/2024 08:04
TMO - Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho các hộ sản xuất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 42.292ha; trong đó nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn.
Với hơn 60.000ha mặt nước biển trải dài từ thị xã Quảng Yên đến thành phố Móng Cái, hơn 43.000ha rừng ngập mặn, trong đó có trên 26.000ha có khả năng nuôi trồng thủy sản; gần 9.000ha bãi cao triều và trên cao triều... Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm công nghiệp. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, và phát triển mạnh nghề nuôi tôm, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, tuyên truyền các địa phương tích cực áp dụng khoa học công nghệ, tiên tiến kỹ thuật trong quá trình thâm canh, nuôi tôm công nghiệp.
Hiện nay tôm thẻ chân trắng và tôm sú là 2 loài được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển. Khu vực nuôi chủ yếu tập trung tại TP Móng Cái, huyện Tiên Yên, Đầm Hà, thị xã Quảng Yên. Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.
Các mô hình nuôi tôm hiện đại như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn nuôi đa giai đoạn... đang được người dân áp dụng rộng rãi cho năng suất trung bình 70-80 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình đạt từ 100 tấn/ha/vụ, lãi suất đạt 1-2 tỷ đồng/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Các doanh nghiệp Quảng Ninh cũng tích cực đầu tư công nghệ, bài bản về máy móc, ao nuôi. Đó cũng là lợi thế của các doanh nghiệp trong tỉnh, do đó cần kết nối lại tạo thành chuỗi để gia tăng thu nhập cho người nuôi, tạo ra giá trị thực cho con tôm Quảng Ninh.
Ngoài ra hiện nay một số cơ sở nuôi tôm tại khu vực thành phố Móng Cái còn áp dụng mô hình CPF-COMBINE, quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, được chia thành 4 giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải biogas giải quyết được vấn đề ô nhiễm do chất thải từ tôm thải ra, khí biogas còn hỗ trợ người dân phục vụ được sinh hoạt và sản xuất.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: TB.
Cùng với đó tỉnh Quảng Ninh còn triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp với quy mô nhỏ theo chuỗi liên kết (liên kết 5 nhà bao gồm: nhà quản lý; nhà khoa học; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm; người nuôi tôm; tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm) với sự tham gia của 20 hộ nuôi tôm. Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao trong quá trình nuôi tôm, người dân và các doanh nghiệp cũng chủ động sử dụng nguồn con giống chất lượng cao, mang lại sản lượng ổn định, ít gặp dịch bệnh, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, bước vào năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt sản lượng thủy sản khoảng 187.700 tấn, tăng 5,9% so với năm 2023, đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 76.700 tấn, nuôi trồng ước đạt 110.000 tấn.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm công nghiệp nói riêng, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý vùng cấm và nghề cấm khai thác để bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, quy định 2 vùng cấm khai thác thủy sản là khu vực di sản thế giới nằm ở trung tâm Vịnh Hạ Long; Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu phục hồi sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi rùa đẻ… Tỉnh cũng triển khai cấm một số nghề theo thẩm quyền, như: Cấm nghề lờ dây (lồng xếp, lồng bát quái) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa; cấm nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên tại vùng biển ven bờ và vùng lộng…
Thời gian qua tỉnh UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định phát triển chuỗi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương tại Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích liên kết chuỗi đạt 500ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn và đến năm 2030, diện tích 4.800ha, sản lượng liên kết chuỗi đạt 25.650 tấn.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao để phát triển nghề nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm thâm canh. Với định hướng phát triển thủy sản theo hướng sinh thái, xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển, đảo... tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng KHCN để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm, thủy sản trở thành ngành mũi nhọn gắn với thế mạnh kinh tế biển của tỉnh.
Thu Hằng
Bình luận