Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ hai, 04/11/2024 06:11
TMO - Bụi và khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí và môi trường tại Hà Nội trong những năm gần đây.
Hà Nội đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình đô thị hóa. Các dự án xây dựng và tái thiết hạ tầng ngày càng nhiều, kéo theo hoạt động thi công, vận chuyển, tập kết vật liệu liên tục diễn ra. Những yếu tố này gây phát sinh bụi mịn, khí thải, tiếng ồn, làm suy giảm sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường sống, phá vỡ cảnh quan đô thị.
Công trình xây dựng chung cư ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Ảnh: Ngọc Anh).
Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường vào đầu năm 2024, mức độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã tăng trung bình khoảng 10% so với năm 2023. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% tức khoảng 13,76 triệu tấn CO2.
Trong đó, đến năm 2025 tất cả các công trình xây mới bao gồm: văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, chung cư phức hợp, trung tâm thương mại, khu/cụm công nghiệp và chế xuất phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2017/BXD”.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, có đến hơn 92% dân số trên thế giới sống trong không khí bị ô nhiễm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm ở mức báo động. Theo các chuyên gia môi trường, chất lượng không khí có dấu hiệu giảm sút rõ rệt ở cả nước, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ bụi mịn PM2.5 và PM10 từ các công trình xây dựng. Loại bụi siêu nhỏ này có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây bệnh lý về hô hấp và tim mạch, đặc biệt nguy hiểm cho người già và trẻ nhỏ.
Các công trình sử dụng lượng lớn máy móc chạy bằng nhiên liệu diesel như máy trộn bê tông, máy phun vữa, các thiết bị thi công hạng nặng làm gia tăng khí thải độc hại vào môi trường. Nhiều dự án xây dựng tại khu dân cư không được kiểm soát kỹ nguồn khí thải động cơ, khiến các khí độc như SO2, NOx, CO,... phát tán rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân quanh khu vực. Công nhân tại các dự án xây dựng cũng là những người phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ mắc các bệnh lý do tiếp xúc lâu dài với bụi và khí thải từ máy móc.
Mặc dù đã có quy định yêu cầu bảo vệ môi trường và hạn chế bụi trong xây dựng, nhưng nhiều công trình tại Hà Nội vẫn chưa thực hiện tốt các quy định này. Trên thực tế, phần lớn các dự án công trình không được che chắn đúng cách, việc phun nước chỉ được thực hiện mang tính đối phó, không đủ hiệu quả trong việc giảm thiểu bụi phát sinh và các hệ thống phun sương hoặc hút bụi hiện đại hầu như chưa được áp dụng rộng rãi.
Tình trạng vi phạm quy định vận chuyển vật liệu và chất thải xây dựng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trên các tuyến đường Vành đai 3 như Đại lộ Thăng Long hay nhiều đường nhánh thuộc các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng nhưng phủ bạt sơ sài, thậm chí không che chắn, khiến đất đá rơi vãi gây nguy hiểm cho người đi đường. Những hộ dân sống tại các tuyến đường này buộc phải đóng kín cửa hoặc sử dụng rèm chắn để ngăn bụi bay vào nhà.
Mặt khác, trên các tuyến đường lớn hay tại khu dân cư, nhiều đơn vị tận dụng vỉa hè, lòng đường hoặc các khu đất trống làm nơi tập kết vật liệu xây dựng mà không có các biện pháp bảo vệ, che chắn kỹ càng.
Bãi tập kết đất cát và phế thải xây dựng chưa có biện pháp che chắn hợp lý tại khu vực quận Nam Từ Liêm ngày 30/10/2024 (Ảnh: Ngọc Anh).
Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường ghi nhận, tại một đoạn đường trong khu phố tập trung dân cư đông đúc ở phường Mễ Trì - quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bụi và bùn đất từ các vật liệu, phế thải xây dựng tập kết sai quy định làm hình thành nên các lớp bụi dày trên mặt đường. Tình trạng này khiến người dân xung quanh vô cùng bức xúc. Chị Minh, người dân sống ở khu phố này cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi qua đoạn đường này để đi làm, không hiểu sao họ lại để các vật liệu xây dựng ngổn ngang giữa đường như vậy. Đất cát và bụi bẩn rơi bừa bãi khắp nơi, mỗi lần đi qua là bụi lại bay lên mù mịt, rất khó chịu”.
Vật liệu xây dựng được đặt ngổn ngang trên đường, đất cát và bụi bẩn làm ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan đô thị ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) ngày 30/10/2024 (Ảnh: Ngọc Anh).
Theo quan sát, khi các phương tiện giao thông di chuyển qua, những lớp bụi bị gió cuốn lên và bay thẳng vào mặt của những người đi đường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông.
Ngoài ra, nhiều đơn vị thi công dự án hạ tầng giao thông và công trình xây dựng vừa rào chắn, vừa đào xới mặt đường ở các tuyến phố. Tuy nhiên không ít dự án lại rơi vào tình trạng thi công trì trệ hay bỏ dở, tạo ra các điểm ùn tắc kéo dài gây khó khăn cho xe cộ di chuyển, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm và những hôm trời mưa. Điều này khiến cho người tham gia giao thông khổ sở khi vừa bị “chôn chân" do tắc đường, vừa hứng chịu khói bụi từ các công trình và phương tiện giao thông khác.
Thậm chí, có rất nhiều những dự án “đắp chiếu" nhiều năm ngay giữa những tuyến phố tấp nập của Thủ đô. Theo thời gian, các dự án bị bỏ hoang này có tình trạng rong rêu, cỏ mọc um tùm, nhiều dự án rỉ sét và xuống cấp nghiêm trọng, gây phản cảm và làm nhếch nhác mỹ quan đô thị.
Cận cảnh bên trong dự án “treo" từ năm 2018 trên “khu đất vàng" Lê Văn Lương, sắt thép hoen rỉ, cơ sở hạ tầng xuống cấp (Ảnh: Ngọc Anh).
Bên cạnh phát sinh bụi và khí thải, các công trình xây dựng gần khu dân cư còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân bởi tiếng ồn từ các hoạt động thi công. Nhiều công trình có tình trạng khoan đục, đóng cọc hay vận chuyển vật liệu từ sáng sớm đến đêm, khiến nhiều người dân bức xúc. Ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề thường xuyên bị phản ánh, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chủ công trình mong nhận được sự thông cảm, tạo điều kiện từ người dân để hoàn thiện xây dựng, nhất là ở các công trình dân dụng của cá nhân hoặc hộ gia đình.
Vật liệu ngổn ngang, không có phương án che chắn để tránh phát tán bụi tại một công trình xây dựng dân dụng ở phường Văn Quán, quận Hà Đông (Ảnh: Ngọc Anh).
Hà Nội có mật độ xây dựng và dân cư cao, nhưng thiếu biện pháp kiểm soát và giảm ô nhiễm trong thi công cùng với sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương, đã góp phần làm gia tăng và phát tán khí thải, bụi mịn vào môi trường. Không chỉ gây nên những hệ quả tác động xấu đến sức khỏe người dân và cộng đồng mà còn tác động xấu đến thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên.
Vào tháng 1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong xây dựng, trong đó có các chế tài xử phạt đối với hoạt động thi công gây phát tán bụi. Cụ thể, ở Điều 15, công trình không có biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công có thể bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 16, tổ chức thi công nhưng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để vật liệu xây dựng rơi xuống các khu vực xung quanh hay tập kết vật liệu không đúng nơi quy định, sẽ bị phạt từ 3 - 20 triệu đồng tùy loại công trình.
Trên thực tế, nhiều công trình và đơn vị thi công vẫn cố tình vi phạm do các chế tài chưa đủ sức răn đe. Điều này cần sự quyết liệt và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền với các cơ quan chức năng địa phương trong việc quản lý, giám sát thi công, nhằm thực thi hiệu quả các quy định và chế tài được ban hành.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc tăng cường sử dụng vật liệu tái chế nhằm giảm phát thải và ô nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2024. Sở Xây dựng đã và đang phối hợp với các sở ngành liên quan để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng xanh – thân thiện với môi trường, thay thế cho vật liệu truyền thống. Đây không chỉ là giải pháp hướng đến giảm phát thải mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, nên ứng dụng các mô hình công nghệ xanh đã phát triển thành công ở các nước tiên tiến, như sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, tận dụng ánh sáng tự nhiên, hệ thống tưới tự động và thu gom nước mưa để tái sử dụng. Ứng dụng các mô hình này giúp giảm thiểu phát thải trong xây dựng và tái thiết hạ tầng, kết hợp với các tiện ích đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là các yếu tố hình thành nên đô thị xanh bền vững.
Đô thị xanh bao gồm các yếu tố kết nối tổng thể về hạ tầng và tiện ích nội khu (Ảnh minh hoạ: internet).
Phát thải từ các hoạt động xây dựng đang là thách thức lớn trong hành trình đô thị hóa của Thủ đô, việc kiểm soát ô nhiễm từ xây dựng đòi hỏi các biện pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và ý thức trách nhiệm từ các đơn vị đầu tư - thi công. Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng, kết hợp phát triển công trình xanh ứng dụng công nghệ tiên tiến, là giải pháp cấp thiết để hình thành và giữ gìn đô thị văn minh, phồn thịnh và bền vững lâu dài.
Ngọc Anh
Bình luận