Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 09:01
Chủ nhật, 11/06/2023 11:06
TMO - Trong nền kinh tế hiện đại, doanh nghiệp được coi là tế bào của nền kinh tế. Trong nền kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh là tế bào tạo nên nền kinh tế xanh. Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho thị trường phục vụ lưu thông và tiêu dùng xã hội giống như cỗ máy bơm máu (hàng hóa/dịch vụ) cho phát triển cơ thể kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp xanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ xanh cho lưu thông, tiêu dùng.
Hiện nay, nền kinh tế của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, về cơ bản là nền kinh tế nâu. Nền kinh tế nâu là nền kinh tế tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên dẫn đến suy giảm, suy kiệt tài nguyên thiên nhiên gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thải nhiều chất thải không qua xử lý đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đặc điểm của kinh tế nâu là chú trọng tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người. Tăng trưởng của nền kinh tế này, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và đồng nghĩa với khai thác và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về môi trường.
Doanh nghiệp trong nền kinh tế nâu chủ yếu là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa không/ít thân thiện môi trường, thậm chí gây tổn thất, thiệt hại tài nguyên môi trường. Những doanh nghiệp này thường không chú ý tới gìn giữ, bảo vệ, thậm chí làm cạn kiệt nguồn lực “đầu vào của sản xuất” (tài nguyên thiên nhiên) và khí thải ra môi trường các loại chất thải (rắn, lỏng, khí) không qua xử lý gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Việc hình thành và phát triển doanh nghiệp xanh hay xanh hóa doanh nghiệp, xanh hóa sản xuất là cách thức, con đường tất yếu để xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh hay xanh hóa kinh tế. Ở nước ta, tất yếu chuyển từ nâu sang xanh hay tiến trình xanh hóa nền kinh tế và doanh nghiệp còn được quy định bởi cả áp lực từ thực trạng tài nguyên và môi trường hiện đang được cảnh báo suy giảm, cạn kiệt, suy thoái ở mức độ báo động.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đã nêu tại phiên họp của Quốc hội ngày 02/11/2016 thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: “Môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa” và đề nghị cần “xác lập vị trí mới cho môi trường”. Vị trí mới này của môi trường, trong bối cảnh phát triển của đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, đương nhiên không phải là đi sau, thậm chí dọn dẹp hậu quả như hiện tại mà từ nay phải song hành trong mọi hoạt động phát triển. Thậm chí, có nơi (khu vực, vùng) cần phục hồi môi trường, phục hồi các chức năng của môi trường trước khi tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác.
Doanh nghiệp là chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và xả thải chủ yếu và lớn nhất ra môi trường, bởi vậy có vai trò quan trọng hàng đầu trong bảo vệ tài nguyên và môi trường. Xanh hóa sản xuất để cung cấp ra môi trường các sản phẩm, dịch vụ xanh là yêu cầu để phát triển bền vững cho cả chính doanh nghiệp và toàn xã hội. Sản xuất xanh, sản phẩm, dịch vụ xanh và lại được tiêu dùng xanh thì nền kinh tế sẽ trở nên xanh. Tài nguyên và môi trường với vai trò của mình là nền tảng cho hoạt động kinh tế và nâng cao chất lượng sống của con người trong phát triển bền vững và tài nguyên môi trường được gìn giữ, bảo vệ là những trụ cột chính đảm bảo cho phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Xanh hóa quy trình, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng trong nền kinh tế xanh.
Đặc điểm của doanh nghiệp xanh
Đa phần các doanh nghiệp hiện nay được xác định là doanh nghiệp nâu. Doanh nghiệp nâu là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất tiêu dùng tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, năng lượng và thải ra nhiều chất thải gây tổn hại tới tự nhiên, môi trường. Đặc điểm của doanh nghiệp này là chỉ chú trọng đến tăng trưởng sản xuất, doanh thu và lợi nhuận mà không chú ý tới gìn giữ bảo vệ tài nguyên môi trường.
Trong khi đó, doanh nghiệp xanh có đặc điểm đặc trưng là doanh nghiệp làm ra lợi nhuận mà không làm tổn hại đến môi trường, cộng đồng và xã hội. Nói đơn giản hơn là họ là những doanh nghiệp quan tâm tới gìn giữ, bảo vệ tài nguyên môi trường ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Sự quan tâm, chú ý này được thể hiện ở việc quan tâm tới chất thải được thải ra trong quá trình khai thác, sử dụng nguyên liệu, năng lượng lấy từ thiên nhiên để sản xuất ra các sản phẩm hành hóa cũng như tiêu dùng cuối cùng.
Mô hình sản xuất của doanh nghiệp xanh tạo thành vòng tuần hoàn khép kín trong quá trình sản xuất bao gồm cả trách nhiệm cuối cùng đối với vòng đời của sản phẩm cho tới khi sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra được tiêu dùng cuối cùng và thải bỏ. Trách nhiệm cuối cùng này trong lý luận về phát triển bền vững được gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là khái niệm được hiểu dưới nhiều góc nhìn khác nhau (người sản xuất, người tiêu dùng, người phân phối, nhà đầu tư...).
Ví dụ dưới góc nhìn của người tiêu dùng thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được nhìn nhận là hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp không chỉ có giá trị sử dụng tốt, giá cả hợp lý mà phải thân thiện với môi trường. Ngược lại thì họ sẽ tẩy chay, từ chối lựa chọn hàng hóa, dịch vụ không/ít thân thiện với môi trường. Trong các tài liệu quốc tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu với nghĩa rộng (là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và tất cả các bên liên quan khác tới cung ứng và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho đến nghĩa hẹp là dưới góc nhìn của từng chủ thể ở trên).
Với doanh nghiệp xanh, tiếp cận phát triển được chuyển đổi từ “khai thác, sử dụng và thải bỏ tuyến tính”. Trên cơ sở khái niệm, bản chất và tiêu chí xanh, doanh nghiệp xanh được đánh giá, theo dõi dựa trên bộ chỉ số đánh giá về xanh hóa doanh nghiệp. Có nhiều bộ chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa của doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh hoạt động và phát triển của từng quốc gia, khu vực cũng như nhu cầu ưu tiên trong phát triển bền vững. Điểm chung và thống nhất trong sự đa dạng của bộ chỉ số này là sự có mặt của chỉ số thể hiện khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bối cảnh hoạt động, phát triển và nhu cầu ưu tiên trong phát triển bền vững quy định mối tương quan giữa các chỉ số đánh giá bền vững/xanh về kinh tế, xã hội và môi trường. Ví dụ như bộ chỉ số đánh giá về xanh hóa doanh nghiệp do Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) đề xuất bao gồm 4 chỉ số kinh tế, 4 chỉ số về xã hội và 11 chỉ số về môi trường. Bộ chỉ số bền vững doanh nghiệp (CSI) do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang áp dụng bao gồm 4 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và nhóm chỉ tiêu chung.
Người tiêu dùng thông minh và sản phẩm xanh
Trong hoạt động kinh tế-xã hội hiện nay, người tiêu dùng thông minh và sản phẩm xanh là những nội dung quan trọng. Khi nói về người tiêu dùng thông minh thường chỉ người tiêu dùng lựa chọn mua, sử dụng và thải bỏ sản phẩm, dịch vụ một cách thân thiện với môi trường. Thế giới đã từng đồng tâm phát động cuộc vận động tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ một cách thân thiện với môi trường, ví dụ như Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2013 được các quốc gia trong đó có Việt Nam kỷ niệm với khẩu hiệu chung là Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ sản phẩm và Ngày Môi trường Thế giới năm 2015 được các quốc gia kỷ niệm với khẩu hiệu chung là Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm.
Người tiêu dùng thông minh có vai trò quan trọng đối với bảo vệ tài nguyên, môi trường cho sự phát triển bền vững, kinh tế xanh nói chung và doanh nghiệp xanh nói riêng ở mối quan hệ tương hỗ, mật thiết gắn sản xuất và tiêu dùng. Theo nguyên lý của kinh tế học, sản xuất để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho tiêu dùng và tiêu dùng tạo nhu cầu để sản xuất cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nếu người tiêu dùng không lựa chọn thậm chí tẩy chay sản phẩm, dịch vụ không thân thiện với môi trường thì sản phẩm, dịch vụ đó sẽ không bán được và do vậy sức ép đối với doanh nghiệp không thể tiếp tục cung ứng sản phẩm, dịch vụ ấy cho thị trường.
Người tiêu dùng hiện nay đang trở nên thông minh hơn nghĩa là họ mong muốn, đòi hỏi và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, sản phẩm, dịch vụ xanh, Thương hiệu xanh của các sản phẩm, dịch vụ ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Các sản phẩm của doanh nghiệp hiện nay muốn tiêu thụ được trên thị trường trong nước và nước ngoài đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, nghĩa là phải là sản phẩm xanh.
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các thị trường khu vực và toàn cầu, người tiêu dùng thông minh đa dạng có yêu cầu chung là sản phẩm, dịch vụ xanh. Dù hàng rào thuế quan, các thủ tục xuất nhập khẩu được dỡ bỏ nhưng thay vào đó là các hàng rào tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn xanh ngày càng được đề cao thậm chí quyết định việc cho nhập khẩu hay không nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, cũng là nước đã tham gia công ước quốc tế về vấn đề này. Do đó, việc thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý.
Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tang trưởng xanh. Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn như trên, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên-nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính…
Ngày 8/2/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg về phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025", trong đó nêu rõ đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững sẽ nhận được những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh bền vững, quản trị nội bộ; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
H.D
(Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE)
Bình luận