Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 28/06/2023 08:06
TMO - UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, các khu công nghiệp phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế toàn tỉnh. Địa phương này định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông thông minh - sinh thái, có giá trị xuất khẩu lớn.
Theo Ngân hàng Thế giới, các Khu công nghiệp sinh thái có thể được định nghĩa là các khu công nghiệp (KCN) được quản lý, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và cộng đồng, vì lợi ích chung liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tháng 5/2022, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thể hiện qua việc ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Ngân hàng Thế giới đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại các KCN được lựa chọn tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng thế giới, các KCN tại Việt Nam hiện đang gia tăng khí thải carbon. Năm 2021, khu vực công nghiêp (bao gồm cả xây dựng) chiếm 37,48% GDP của Việt Nam; khí thải công nghiệp chiếm 13-20%. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 5,6% trong giai đoạn 2020-2050, riêng ngành công nghiệp đã chiếm 55% mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Khí thải công nghiệp được dự báo đóng góp vào 28% tổng lượng phát thải cả nước.
Các công nghệ Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam giảm giảm 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và giảm gần 1/6 lượng tiêu thụ nước công nghiệp. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 12,9 tỷ USD, doanh thu tiềm năng 4,9 tỷ USD hàng năm (thời gian hoàn vốn là hơn 2 năm rưỡi). Chuyên gia Ngân hàng thế giới đánh giá, việc phát triển các chỉ số Khu công nghiệp sinh thái tập trung vào quá trình khử carbon. Nhờ đó Khu công nghiệp sinh thái có thể góp vào mục tiêu phát thải ròng về 0 của quốc gia.
Tỉnh Bình Dương hướng tới chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông thông minh - sinh thái, có giá trị xuất khẩu lớn.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã có hơn 25 năm phát triển, trở thành một trong những vùng sản xuất công nghiệp lớn trên cả nước. Các KCN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế Bình Dương tính đến nay đã dịch chuyển theo đúng định hướng với tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm xấp xỉ 90%; quy mô kinh tế đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997.
Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh. Tỉnh Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Hiện nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh đang nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.
Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu thị trường ngày đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp như hiệu quả chi phí sản xuất, trách nhiệm với cộng đồng và các mục tiêu khử cacbon. Chính sách thuế carbon và cơ chế điều chỉnh cacbon xuyên biên giới như của Thỏa thuận Xanh châu Âu hoặc các cơ chế tương tự khác trên khắp thế giới cũng đang tạo ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư FDI của nhiều nước trong đó có Việt Nam, nước cũng đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Các nhà đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp FDI phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch (từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất, cung cấp) và có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tính cạnh tranh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Trong đó, Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương có 33 KCN với tổng diện tích 14.790 ha. Hiện tại, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích hơn 12.662 ha; trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (VSIP 3 và Cây Trường), với tổng diện tích 1.700 ha.
Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN - đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các KCN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế Bình Dương tính đến nay đã dịch chuyển theo đúng định hướng với tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm xấp xỉ 90%; quy mô kinh tế đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997, trong đó, công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997 - 2021 đạt 10,86%/năm.
Phát triển KCN sinh thái hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh đang được các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai.
Việt Nam đang tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư FDI. Trong đó, việc triển khai các KCN sinh thái đang được đánh giá là một mô hình tất yếu, không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng song việc phát triển các KCN thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch phát triển KCN chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Do đó, chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng về sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên về đất đai (tài sản quan trọng của quốc gia) cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tại các KCN truyền thống hiện nay, cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh cũng như kết nối với các KCN tại những địa phương lân cận. Doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, do đó tất yếu đòi hỏi phải đổi mới toàn diện để tránh tụt hậu, trở thành quốc gia phát triển với nền sản xuất hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách và các quy định hiện hành; điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện KCN sinh thái, để tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều KCN theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái để tạo được hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao nhận nhận thức và hiệu quả chuyển đổi KCN sinh thái.
Hồng Nhung
Bình luận