Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/07/2025 15:07
Thứ năm, 05/06/2025 06:06
TMO - Đồng Nai là một trong số những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp (CCN) lớn trong cả nước. Với vai trò là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, các CCN truyền thống của thành phố đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình sang mô hình sinh thái, hướng tới xu thế xanh tuần hoàn.
Theo đánh giá của Sở Công thương Đồng Nai, mô hình CCN là nơi tập trung các dự án sản xuất với mật độ cao. Điều này góp phần sử dụng có hiệu quả quỹ đất, tạo thuận lợi trong việc tái cơ cấu quỹ đất cho phát triển đô thị và thuận lợi trong xử lý ô nhiễm môi trường. Tại các CCN ở Đồng Nai có 192 dự án thứ cấp, trong đó 135 dự án đã đi vào hoạt động, con số này rất khiêm tốn so với số DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất đang có nhu cầu về mặt bằng.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển mô hình CCN trên địa bàn tỉnh đến nay còn nhiều hạn chế. Đồng Nai có 31 CCN được quy hoạch, trong đó 16 cụm đã được thành lập, 12 cụm đi vào hoạt động nhưng hiện mới có 4 cụm cơ bản hoàn thành hạ tầng. Bên cạnh đó, các cụm đi vào hoạt động chỉ có 5 cụm có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Một số CCN nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn trước khi xả thải. Rác thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại, không được phân loại và xử lý đúng cách. Việc quy hoạch tại các cụm còn thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường chung như trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống thu gom chất thải… Những điều này phần nào hạn chế cơ hội tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các DN nhỏ và vừa.
Đơn cử, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hơn 600 hội viên trên toàn tỉnh và đang được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Vấn đề là rất nhiều DN hội viên đang hoạt động chưa đúng chuẩn, nhà máy vẫn chưa vào được khu sản xuất tập trung. Trong một cuộc khảo sát nhanh vào năm 2023, hàng chục hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết, họ có nhu cầu thuê đất trong khu vực sản xuất tập trung thuộc khu, CCN.
Theo Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, các DN mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách, xây dựng các CCN để DN có thể tiếp cận, tìm hiểu và có phương án thuê đất, xây dựng nhà máy một cách hợp lý. Hệ quả lâu dài từ sản xuất công nghiệp phân tán buộc địa phương phải quy hoạch các CCN tập trung nhưng việc phát triển các cụm vẫn chưa đạt mong muốn. Những hạn chế trong việc xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường từ các CCN hiện hữu đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách thức xây dựng các CCN một cách bền vững.
Đồng Nai hiện có hàng chục cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch và phân nửa đã đi vào hoạt động, tuy nhiên mô hình CCN tại Đồng Nai thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập. Chậm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút ít số lượng doanh nghiệp thứ cấp cũng như những hạn chế, phát sinh trong vấn đề bảo vệ môi trường đang là các trở ngại chưa được giải quyết.
Đồng Nai hướng tới phát triển các khu, CCN theo hướng xanh.(Ảnh minh hoạ).
Để có thể phát triển bền vững, bên cạnh định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái thì đối với các CCN, Đồng Nai cũng quyết tâm chuyển đổi, thí điểm xây dựng các CCN sinh thái với những dự án mới.
Lãnh đạo Sở Công thương, để phát triển CCN theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thì cần có cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư về đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thành lập CCN, đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Đồng thời, các địa phương làm việc với chủ đầu tư để thống nhất, có cam kết về tiến độ đầu tư.
Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Công thương xây dựng thí điểm CCN Quang Trung, CCN Quang Trung 2 (huyện Thống Nhất) và CCN Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) thành CCN sinh thái. Các CCN này sẽ ưu tiên các ngành nghề ít phát sinh chất thải, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Để phát triển bền vững, các mô hình CCN sinh thái ngày càng trở thành xu thế bao trùm; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Mô hình KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực tại các nước trên thế giới.... Tại Việt Nam nói chung, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được đề cập và nhấn mạnh trong các chủ trương lớn, quan trọng của Đảng.
Hiện, các mô hình KCN sinh thái đang được nhân rộng tại một số địa phương tại Đồng Nai nói chung và qua quá trình phát triển, mô hình này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rất tích cực. Ngoài việc chuyển đổi các KCN sinh thái thì các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng mạnh dạn cam kết về chiến lược phát triển bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, lập hồ sơ tiếp cận chủ trương đầu tư.
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài Chính) chọn xây dựng thí điểm khu công nghiệp sinh thái. Dự tính sau khi hoàn thành sẽ tiến hành nhân rộng ra các khu công nghiệp khác trên cả nước.
Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp với hơn 18 nghìn ha. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; đồng thời, chuyển đổi, thành lập mới các khu công nghiệp cao, khu công nghiệp xanh, sinh thái.
Vũ Dũng
Bình luận