Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Chủ nhật, 08/10/2023 12:10
TMO - Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị cần xây dựng phương án và thực hiện có hiệu quả.
Tỉnh Quảng Bình đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão năm 2023. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai, bão, lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, địa phương này đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin dự báo về các hiện tượng thời tiết bất thường để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến môi trường trước, trong và sau mỗi đợt bão, mưa lũ, không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như: các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, tinh bột sắn, mủ cao su, xi măng, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở xử lý chất thải, bệnh viện, thủy điện, hồ, đập... đặc biệt là các cơ sở sản xuất có các công trình hồ chứa chất thải, nước thải phải thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao đảm bảo an toàn.
Tình trạng ngập sâu do mưa lũ tiềm ẩn các sự cố môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước, đòi hỏi các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó.
Trên cơ sở Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương, đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt và Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Bình được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UB ngày 8/5/2017, các địa phương, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công hoặc theo quy định của pháp luật chủ động triển khai công tác chuẩn bị và các biện pháp phòng ngừa, ứng cứu, khắc phục sự cố hiệu quả trong trường hợp có sự cố tràn dầu xảy ra.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó xác định phương án cụ thể đối với từng khu vực, cơ sở nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường. Đề cao tinh thần cẩn trọng, tích cực, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tiến hành làm vệ sinh môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường ngay sau khi nước đã rút, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nắm bắt tình hình và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý cảng đường thủy nội địa, cảng sông, ven biển có biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ.
Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các nội dung: Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch đã phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 109 và khoản 3 Điều 110 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo nội dung Công văn số 751/UBND-KT ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện. Tổng hợp tình hình triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện việc điều tra, thống kê, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra cố môi trường tại các lưu vực sông, hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện, khu vực nuôi trồng thủy hải sản... để chủ động thực hiện hoặc hướng dẫn các cơ sở thực hiện cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lũ lụt gây ra; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch bệnh và các quy định liên quan.
Công tác vệ sinh môi trường cần được khẩn trương triển khai sau mưa lũ, ngăn ngừa kịp thời nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ảnh: NH.
Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi...để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ; có phương án dự phòng hóa chất xử lý nước sinh hoạt và hướng dẫn các địa phương xử lý nước giếng bị ô nhiễm do lũ lụt để sử dụng cho sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vùng lũ.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện việc điều tra, thống kê, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn quản lý, đặc biệt là tại các khu vực đã từng xảy ra sự cố môi trường các năm trước đây; công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Ban Quản lý các công trình công cộng, Ban Quả lý các chợ, các điểm/khu du lịch, khu di tích lịch sử... thực hiện tốt hoạt động vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn; chủ độ lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai các gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định người dân tại các địa phương sau mưa bão, lũ lụt.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch đã phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường, khoản 1 Điều 109 và khoản 3 Điều 110 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với các cơ sở có hồ chứa chất thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải, đặc biệt các bãi thải, hồ chứa quặng đuôi của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, các cơ sở xử lý chất thải, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt... phải thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Mạnh Dũng
Bình luận