Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/07/2025 18:07
Thứ tư, 16/07/2025 06:07
TMO - Hiện nay, thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý chất thải nông nghiệp, đặc biệt là bao bì, vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Việc thu gom, xử lý đúng quy định không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm mà còn bảo vệ hệ sinh thái, nguồn nước và sức khỏe cộng đồng. Đây là bước đi cần thiết trong lộ trình phát triển nông nghiệp của địa phương.
Tại TP Cần Thơ, tình trạng bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng, kênh mương từng gây lo ngại về ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp thành phố đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thu gom, xây dựng điểm tập kết rác thải nguy hại nông nghiệp và tuyên truyền nông dân xử lý đúng cách.
Mô hình “thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng” được nhân rộng tại nhiều hợp tác xã, góp phần làm thay đổi thói quen canh tác của người dân theo hướng an toàn, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đồng thời, Cần Thơ cũng triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát đầu vào vật tư nông nghiệp, tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất.
Những nỗ lực này đang giúp từng bước khôi phục chất lượng đất, nước, hạn chế tồn lưu hóa chất độc hại trong hệ sinh thái. Những năm qua, TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Với diện tích nông nghiệp lớn, cùng với thế mạnh trồng lúa và cây ăn trái, thuốc BVTV là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển ổn định. Tuy nhiên, vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý hiệu quả cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường.
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tăng cường triển khai các giải pháp thu gom bao bì thuốc BVTV, hướng tới bảo vệ môi trường tự nhiên an toàn, bền vững. Theo đó, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Người dân tích cực thu gom vỏ bao thuốc BVTV.
Xây dựng các mô hình hiệu quả như thùng chứa rác thải thuốc BVTV, hố chứa rác thải thuốc BVTV… Các xã tuyên truyền vận động nhân dân thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lưu giữ trong lu, khạp có nắp đậy hoặc vật đựng khác an toàn của hộ gia đình. Cùng đó, phối hợp các đơn vị liên quan thu gom bao bì thuốc BVTV 2 lần/năm. Ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương và nông dân tại nhiều hợp tác xã nông nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thực hiện thu gom vỏ chai và bao bì thuốc BVTV nhằm thu gom một cách triệt để...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ (cũ) năm 2024, trên địa bàn thành phố thực hiện thu gom gần 20 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV và xử lý theo quy định. Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Mặc dù Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng đến nay sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng, tạo việc làm, tạo sinh kế cho một bộ phận nông dân. Thời gian qua, trình độ sản xuất của bà con ngày càng được nâng lên, trình độ thâm canh ngày càng cao nên việc sử dụng vật tư phục vụ sản xuất ngày càng nhiều.
Ý thức cộng đồng trong thu gom các loại rác thải, trong đó có rác thải trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, để việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV qua sử dụng hiệu quả đòi hỏi sự chung sức, sự kiên trì của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Sở đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích toàn diện, lâu dài của hoạt động thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng để góp phần xây dựng TP Cần Thơ ngày càng sinh thái, văn minh, hiện đại…
Thành phố Cần Thơ còn đẩy mạnh, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường. Đơn cử Chương trình “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh” đã diễn ra vào đầu tháng 6-2025 tại Cần Thơ, với sự chung tay của chính quyền địa phương, góp phần tạo nên những dấu ấn tích cực cho cộng đồng và môi trường.
Theo đó, có 6,3 tấn vỏ bao thuốc BVTV đã được thu gom và xử lý an toàn. Số lượng vỏ bao thuốc BVTV thu gom được quy đổi thành 1.100 cây xanh gồm 650 cây bằng lăng và 600 cây bướm hồng đã được trồng dọc các tuyến đường nông thôn TP Cần Thơ, tạo bóng mát dài lâu và cải thiện môi trường sống. Sau nhiều năm triển khai tại Cần Thơ, chương trình đã thu gom hơn 69 tấn bao bì thuốc BVTV và trồng 3.350 cây xanh, góp phần làm đẹp diện mạo vùng nông thôn.
TP.Cần Thơ xây dựng các bể chứa vỏ, bao bì thuốc BVTV góp phần giữ gìn môi trường tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc thu gom vỏ bao bì và trồng cây, chương trình còn chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức của bà con về việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, trách nhiệm.
Quản lý chất thải nông nghiệp, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của TP Cần Thơ. Việc chủ động xây dựng hệ thống thu gom, nâng cao nhận thức cho người dân và áp dụng các quy định xử lý đúng chuẩn là bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết của địa phương trong bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ triển khai nghiêm túc Thông tư liên tịch số 05 /2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về việc hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Trong đó, chủ động vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
Tại Điều 4 của Thông tư cũng nêu rõ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, thành phố còn chú trọng đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý và thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại. Những chuyển biến tích cực từ cơ sở cho thấy hiệu quả rõ rệt: rác thải nguy hại không còn bị xả tràn lan, nguồn nước được cải thiện, sinh vật thủy sinh dần phục hồi.
Đây là tiền đề để hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường. Với quyết tâm và hành động cụ thể, Cần Thơ đã và đang quản lý chất thải nông nghiệp hiệu quả, góp phần bảo vệ hệ sinh thái bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bích Thuỷ
Bình luận