Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ sáu, 25/10/2024 15:10
TMO - Thời gian qua, sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Ngành chức năng tỉnh cũng đã tăng cường các biện pháp ứng phó, kịp thời khắc phục thiệt hại để người dân ổn định cuộc sống.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 điểm sạt lở, sụt lún, làm mất 2.111m bờ sông, rạch cùng với các công trình, cây trồng ven sông, ảnh hưởng trực tiếp đến 150 hộ dân, ước thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đã giảm về số vụ (giảm 27 điểm sạt lở) và thiệt hại (giảm 3,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên, qua công tác khảo sát, đánh giá, toàn tỉnh hiện có 8 khu vực bị sạt lở nặng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến sông, kênh lớn mà các địa phương và người dân cần chú ý. Cụ thể gồm: Khu vực bờ tả sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao Minh thuộc ấp An Long, xã An Bình đến phà Đình Khao thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) và khu vực cồn Thanh Long thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm; trên sông Hậu có khu vực thượng và hạ lưu vàm kênh Hai Quý, khu vực quanh cồn Sừng (thị xã Bình Minh), khu vực chợ xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn); các tuyến kênh Xáng (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn); sông Cái Cao (xã Phú Đức, huyện Long Hồ); sông Măng Thít (đoạn từ phà Chánh An đến cầu Măng Thít thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít) cũng có nguy cơ bị sạt lở mạnh.
Sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Tại huyện Trà Ôn, tình hình thiên tai nhất là sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân sạt lở là do tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi của dòng chảy các nhánh sông. Tính từ cuối năm 2023 đến nay, toàn huyện hiện có trên 70 đoạn bờ bao sạt lở, chiều dài sạt lở là gần 1.600m thuộc các tuyến sông lớn.
Tại huyện Long Hồ, với ệ thống sông ngòi dày đặc với 914 tuyến sông, kênh, rạch, dài 740km, đan xen và liên thông nhau. Ngoài những lợi ích mang lại thì huyện cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự tác động của dòng chảy làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường, nhất là trong mùa mưa lũ, sạt lở xảy ra với chu kỳ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài lâu hơn, gây nhiều thiệt hại.
Sau khi xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã phối hợp huy động lực lượng cùng người dân hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tháo dỡ vật kiến trúc, di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời; vận động hộ dân trong khu vực sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn để tránh thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra; tiến hành lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, căng dây cảnh báo để người dân phòng tránh.
Giai đoạn 2021 - 2024, từ các nguồn vốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố 12,382 tỷ đồng đầu tư khắc phục công trình thủy lợi bị thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đóng góp ngày công lao động, mặt bằng, khắc phục hậu quả đê đập bị sạt lở, vỡ đê, tràn đê và di dời tài sản của bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực sạt lở; tự gia cố, đầu tư một số đoạn đê, đập thuộc đất sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình.
Toàn tỉnh đã đầu tư 10 tuyến kè kiên cố có kết cấu bằng bê tông cốt thép (đang triển khai thực hiện 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến). Đồng thời, thực hiện việc gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố bờ sông bằng cừ tràm, cừ dừa với trên 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện 4.351.772 triệu đồng.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các dự án kè chống sạt lở, như: Kè chống sạt lở bờ sông Tiền (thượng lưu cầu Mỹ Thuận) dài khoảng 1.000m (thành phố Vĩnh Long); Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít - khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) dài hơn 500m; Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu Cù lao An Bình đến phà An Bình (Long Hồ) dài gần 4.400m; Kè bảo vệ bờ sông Vàm Tắc Từ Tải, (khu vực phường Thành Phước và phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) dài 3.600m...
Việc triển khai các dự án kè chống sạt lở được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: HT.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát quan trắc, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng, cảnh báo các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch trong tỉnh; đưa ra những dự báo, cảnh báo, ngăn chặn các tác động bất lợi đến sự ổn định của bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở trên địa bàn.
Trong các tháng còn lại của năm 2024, tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, xung yếu, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra. Cùng với đó, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý kịp thời các điểm bờ sông đang hoặc có nguy cơ bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các ngành, địa phương tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông; phối hợp và thực hiện công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra.../.
Ngọc Hà
Bình luận