Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 04:11
Thứ tư, 11/05/2022 16:05
TMO - Trước dự báo về tình hình hạn, xâm nhập mặn gia tăng, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vụ xuân hè 2022.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, từ tháng 5 đến tháng 10/2022 trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra 6 đến 8 đợt nắng nóng, trong đó có từ 3 đến 5 đợt nắng nóng gay gắt. Tại các trạm bơm thuộc các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa cũng đã xảy ra tình trạng thiếu nước do xâm nhập mặn vào sâu trong cống lấy nước. Độ mặn tại vùng cửa sông ven biển tiếp tục duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 15 - 23,2km.
Theo đó, vùng đồng bằng ven biển ảnh hưởng xâm nhập mặn lên tới khoảng 4.800 – 7.200 ha và tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn...
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tác động trực tiếp đến môi trường nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa xác định tôm và ngao là sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực. Hiện nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 4.100 ha, với sản lượng 7.000 tấn/năm, giá trị khoảng 674 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Phần lớn diện tích nuôi tôm tập trung tại các địa phương: Hoằng Hóa 1.650 ha, Quảng Xương 700 ha, Nga Sơn 580 ha, Hậu Lộc 510 ha, thị xã Nghi Sơn 400 ha, Nông Cống 202 ha, TP Thanh Hóa 30 ha và TP Sầm Sơn 28 ha.
Đối với diện tích ngao nuôi toàn tỉnh 1.250 ha, sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn, giá trị ước đạt 268 tỷ đồng, chiếm 4,4% giá trị sản xuất ngành thủy sản; tập trung tại các huyện Hậu Lộc 655 ha, Nga Sơn 440 ha, Quảng Xương 65 ha, Hoằng Hóa 20 ha và thị xã Nghi Sơn 70 ha.
Trước thực trạng trên, các địa phương ven biển có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn đã chủ động theo dõi thời tiết, cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn để có kế hoạch ứng phó. Trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ngay từ đầu tháng 3 người nuôi đã chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, xử lý và thả giống theo kế hoạch.
Nhiều diện tích ao nuôi đã chủ động phương án tránh để tiêu hao nguồn nước, dự trữ nước phục vụ cho nuôi trồng
Thường xuyên theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi, quản lý thức ăn, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.
Đối với nuôi tôm nước lợ, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn các hộ nuôi gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường nuôi ổn định. Những ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3 - 1,5m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi.
Ngoài ra, các địa phương chủ động kế hoạch nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát nước, khoanh vùng khu vực nuôi trồng khả năng thiếu nước, chuẩn bị vật tư, nhiên liệu bơm, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Thanh Hóa chú trọng đến công tác điều tiết tại các trạm bơm, nhằm đảm bảo lượng nước an toàn cho nuôi trồng thủy sản
Nâng cấp hệ thống cống điều tiết nước và có chế độ điều tiết nước chủ động ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là vùng nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, hạn chế tối đa nhiễm mặn cục bộ. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng thủy sản; bám sát dự báo xâm nhập mặn, điều chỉnh mùa vụ thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Tỉnh Thanh Hóa khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn ít thay nước; chăm sóc và quản lý chặt chẽ môi trường nuôi, nhất là quản lý thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Minh Hòa
Bình luận