Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ ba, 19/09/2023 08:09
TMO - Tỉnh Long An hướng tới mục tiêu duy trì và nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) một cách bền vững, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo định hướng xanh và phát triển bền vững tại tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thay đổi, trong đó có 2 xu hướng lớn. Theo đó, phải thích ứng tốt hơn với điều kiện bất thường, khó đoán định; thứ hai là phải phát triển xanh . Với những xu hướng trên, Việt Nam đã định hướng thu hút FDI trong thời gian tới phải xanh hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Long An hiện là một trong những địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước khá tốt trong vùng ĐBSCL cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án có công nghệ cao.
Kết quả công bố PGI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Long An đạt 15,04 điểm, đứng vị trí thứ 28 trên cả nước và thứ 3 khu vực ĐBSCL. Trong đó, chỉ số thành phần bao gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu: 4.23; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu: 5,13; Vai trò lãnh đạo của chính quyền trong bảo vệ môi trường: 3,81; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT: 1,91.
Hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Long An đẩy mạnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI năm 2023, phấn đấu năm 2023, tỉnh đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai xây dựng, hoạch định các chính sách, góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và các dự án xanh chất lượng cho tỉnh.
Các khu công nghiệp đang hoạt động lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, kết nối truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra.
Sở TN&MT Long An cho biết: Trong năm 2022, ngoài việc tổ chức 2 lớp tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, đồng thời, phối hợp với các huyện tổ chức triển khai nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp, Sở TN&MT còn tiến hành thanh tra, kiểm tra 54 đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc loại hình có khả năng phát sinh ô nhiễm để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT Long An đã theo dõi và vận hành 6 trạm quan trắc tự động, gồm: 3 trạm không khí và 3 trạm nước; theo dõi 42 trạm quan trắc tự động khí thải và nước thải của các doanh nghiệp có nguồn thải lớn thuộc đối tượng lắp đặt và truyền dữ liệu về trạm Trung tâm của Sở TN&MT 5 phút/lần để theo dõi, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, định kỳ hàng quý, Sở TN&MT còn tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch chính và môi trường không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp và chốt giao thông chính để theo dõi chất lượng môi trường nền của tỉnh Long An. Đồng thời, Sở TN&MT Long An phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế trong tiếp nhận đầu tư và thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Để góp phần nâng cao Chỉ số PGI cấp tỉnh năm 2023, Sở TN&MT triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Sở TN&MT tập trung vận hành có hiệu quả các trạm quan trắc môi trường tự động, theo dõi đánh giá chất lượng môi trường để kịp thời phát hiện, có giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ và theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục, công trình tiêu thoát nước, chống ngập hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai và BĐKH gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường trồng rừng, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tỉnh cũng tiếp tục bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu thông qua tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, thông qua việc kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực hỗ trợ. Các cơ quan chức năng tiếp tục thanh, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiên quyết không cho các cơ sở hoạt động khi chưa hoàn thành công trình BVMT. Đối với doanh nghiệp, tăng cường hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về môi trường và các giải pháp BVMT bằng nhiều hình thức, khuyến khích xanh hóa mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Tỉnh Long An tăng cường triển khai các chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Ảnh: LN.
Theo báo cáo PGI 2022, ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI lần đầu tiên là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Tiếp theo là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…Tương tự cách tiếp cận của PCI, Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải tiếng nói của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.
Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (chỉ số thành phần 1); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2); hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3); và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4).
Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. Với mục đích này, tương tự như Chỉ số PCI, Chỉ số PGI được thiết kế như một chỉ số xếp hạng dựa trên các tiêu chí đầu vào hình thành từ một hệ thống chỉ tiêu đo lường các yếu tố chính sách đầu vào (các thước đo đánh giá hành động của chính quyền cấp tỉnh) mà có thể có mối tương quan với hiện trạng môi trường và khí hậu tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát năm 2022 đã đưa ra một số phát hiện đáng chú ý, đó là chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn. Chỉ khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc (51,2%) đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Trung bình chung, có 30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. Chỉ 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương.
Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền các địa phương cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn công tác hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan đến quy định pháp luật môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã được chính quyền địa phương hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường ở mức tương đối cao (43,2%). Tuy nhiên ở một số nội dung khác, tỷ lệ này còn thấp (dưới 10%).
Cụ thể, chỉ 5,1% doanh nghiệp cho biết đã được chính quyền địa phương phổ biến về đầu tư vào quản lý chất thải rắn; về sản xuất năng lượng tái tạo (5,4%), tái trồng rừng (6%) và sử dụng năng lượng tái tạo (8,6%). Công tác hướng dẫn doanh nghiệp về một số nội dung liên quan đến các thực hành xanh có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao hơn đôi chút, đó là giảm thiểu việc sử dụng nhựa (10,4%), bảo tồn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (12,5%) và giảm thiểu ô nhiễm không khí (13,4%). Hầu hết các tỉnh, thành phố mới tập trung nhất vào việc hướng dẫn doanh nghiệp về sử dụng nước tiết kiệm (17,2%) và hạn chế ô nhiễm nguồn nước (16,5%).
Đáng chú ý, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các chương trình khuyến khích, hỗ trợ thực hành xanh còn khá hạn chế ở hầu hết các địa phương. Tính trên thang 4 điểm (trong đó 0-Hoàn toàn không thuận lợi tới 4-Hoàn toàn thuận lợi), ngoại trừ chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (đạt điểm 1,03), các chương trình khác có mức độ thuận lợi về thủ tục tham gia đều dưới 1 điểm, thể hiện một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Thu Hương
Bình luận