Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ tư, 07/08/2024 08:08
TMO - Để bảo đảm nguồn cung, chất lượng nông sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo phát triển sản xuất theo chuỗi (liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ) nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp sinh thái...
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang trong tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới đáp ứng 20-70% (tùy sản phẩm) nhu cầu của hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Hiện tại, mỗi tháng người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn thịt lợn, 5.350 tấn thịt bò, 6.400 tấn thịt gà, 129 triệu quả trứng gia cầm, 19.250 tấn thủy sản, 5.350 tấn thực phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ, quả. Lượng hàng hóa còn thiếu được bổ sung từ các tỉnh, thành phố khác.
Theo Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT) Hà Nội đang duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia xây dựng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội
Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng nguồn thực phẩm từ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Để bảo đảm chất lượng nguồn thực phẩm từ nông, lâm, thủy, hải sản, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Năm 2023, tỷ lệ mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm còn 4,4%; 6 tháng đầu năm 2024, 98% mẫu giám sát đều bảo đảm.
Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn ra thị trường. Theo thống kê hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình ứng dụng hiệu quả tập trung nhiều tại các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn). Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin vào chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP…, quản lý logistic kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sẽ kiểm soát được nguồn gốc chất lượng nông sản từ nguyên liệu đến sản phẩm ra thị trường.
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. UBND thành phố sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các huyện trong việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong năm 2024, chương trình sẽ được triển khai tại 7 địa điểm, hỗ trợ 28 cơ sở với tổng kinh phí 3.657 tỷ đồng. Năm 2025, kế hoạch mở rộng sang 8 huyện khác, với 49 cơ sở được hỗ trợ, với tổng kinh phí 6.551 tỷ đồng.
Công tác kiểm tra chất lượng nguồn cung nông sản trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh triển khai.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố duy trì, phát triển chuỗi; khuyến khích, hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất tốt theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; HACCP, ISO22000...Sở phối hợp Sở Công Thương theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh thông tin về tình hình cung - cầu; chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ đời sống người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; tập trung vào sản phẩm tiêu thụ lớn, nhất là trong các dịp cao điểm như Tết Trung thu, cuối năm...
Sở đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh, tập trung vào những nhóm sản phẩm, như: Rau, thịt, thủy sản…, qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý theo quy định. Đối với những mẫu vi phạm, Hà Nội sẽ thông báo tới các tỉnh, thành phố để có biện pháp xử lý tận gốc tại cơ sở vi phạm, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm tới tay người tiêu dùng...
Mặt khác, thành phố sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tập trung rà soát, tham mưu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho phù hợp với thực tiễn quản lý. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.../.
Đức Long
Bình luận