Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ bảy, 30/03/2024 06:03
TMO - Năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng nhằm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP...
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu như vùng cây ăn quả trên 51 nghìn ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn ha; vùng cây có múi gần 11 nghìn ha, vùng rau an toàn gần 12 nghìn ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.
Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Bắc Giang cũng là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với hơn 2.200 di tích, trong đó có 746 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang... Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Tính hết năm 2023, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Triển khai chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao; trong đó, có 3 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Qua đó, đưa Bắc Giang trở thành 1 trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực Miền núi phía Bắc và cả nước. Toàn tỉnh có 177 chủ thể OCOP; trong đó, 141 chủ thể hợp tác xã, chiếm 79,7%, 13 doanh nghiệp, chiếm 7,3%, 23 cơ sở sản xuất, chiếm 13%. Các chủ thể cơ bản là hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của các địa phương. Một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh như: vải thiều Lục Ngạn; mỳ gạo Chũ; gà đồi Yên Thế,... sản phẩm của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; rượu Vân; bún Đa Mai…
Các sản phẩm đều có đầy đủ hồ sơ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; có sự quan tâm, đầu tư lớn đến hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hồ sơ công bố chất lượng; câu chuyện sản phẩm… Hình thức mẫu mã, bao bì nhãn mác phù hợp với đặc tính sản phẩm được các chủ thể quan tâm thiết kế đồng bộ, hiện đại, một số sản phẩm bao bì đẹp, bắt mắt… Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGAP; GlobalGAP...
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Bắc Giang có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…, qua đó đã góp phần nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2024, Bắc Giang dành nguồn lực khoảng 20,9 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; Các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên: Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống; Sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; Sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống,...
Phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng: Tập trung nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuyên truyền, vận động các chủ thể có sản phẩm đã công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021 sắp hết hạn chứng nhận tham gia đánh giá lại; nâng hạng sao cho tối thiểu 05 sản phẩm đã được công nhận OCOP. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Gắn sản phẩm OCOP với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện. Số hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm; số hóa sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.
Đức Thành
Bình luận