Hotline: 0941068156
Thứ ba, 07/01/2025 11:01
Thứ sáu, 03/01/2025 04:01
TMO - Trong năm 2024, xuất khẩu gạo, sầu riêng đã có những bứt phá rõ rệt. Đáng chú ý, sầu riêng chiếm tới 40-42% tổng kim ngạch rau quả, góp phần đưa nhóm này đạt 7,2 tỷ USD. Con số này cũng đưa rau quả vượt gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt nhiều năm qua.
Theo Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chiến lược sản xuất rải vụ và kiểm soát chất lượng chặt chẽ đã giúp sầu riêng không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu rau quả mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trái cây này đã đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc và cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Các mặt hàng trái cây khác như thanh long, xoài, chuối cũng góp phần không nhỏ vào thành công này. Nhờ chiến lược sản xuất bài bản, mở rộng thị trường và giá tăng kỷ lục sầu riêng, gạo, cà phê, lâm sản năm nay tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xuất khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2024 đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước đó, vượt chỉ tiêu 54-55 tỷ USD do Thủ tướng giao. Con số kỷ lục này khẳng định sức bật mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế. Nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu năm nay là ngành rau quả, đặc biệt là sầu riêng với giá trị chiếm tới 40-42% tổng kim ngạch rau quả, góp phần đưa nhóm này đạt 7,2 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu gạo thụt lùi hơn so với sầu riêng nhưng vẫn tiếp tục giữ vững vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị gần 5,8 tỷ USD, tăng 21%. Năm nay, Việt Nam xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, với mức giá trung bình 620 USD một tấn - cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ.
Các thị trường chính gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc, trong đó Indonesia tăng nhập khẩu gấp đôi để bổ sung dự trữ lương thực. Bộ Nông nghiệp dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 tiếp tục tăng trưởng nhờ các mô hình canh tác bền vững và sản phẩm chất lượng cao từ Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành cà phê cũng ghi nhận một năm bùng nổ với kim ngạch đạt 5,5 tỷ USD, tăng gần 32% so với năm trước.
Mặc dù sản lượng giảm 15% do ảnh hưởng của thời tiết, giá cà phê tăng 57% so với cùng kỳ, đạt trung bình 4.037 USD một tấn - mức cao kỷ lục. Đức, Mỹ và Italy là các thị trường nhập khẩu lớn nhất, bên cạnh sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt nhấn mạnh rằng, tái canh cà phê đã góp phần cải thiện chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng thị phần. Trong lĩnh vực lâm sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 19,4%. Các sản phẩm gỗ và đồ nội thất tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiến lược sản xuất bền vững và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đang giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng sang cả các khu vực mới như Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, các mặt hàng như hạt tiêu, cao su và thủy sản đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Giá tiêu xuất khẩu trung bình đạt 5.198 USD một tấn, cao su đạt 1.480 USD một tấn.
Với mặt hàng thuỷ sản, giá xuất khẩu cũng tăng so với cùng kỳ và kim ngạch dần phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và cán đích 10 tỷ USD trong năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhờ vào các giải pháp tái cơ cấu ngành, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã có bước tiến đáng kể trong việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện châu Á là khu vực tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, chiếm 48,2% tổng kim ngạch. Tiếp theo là châu Mỹ (23,7%) và châu Âu (11,3%).
Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. (Ảnh minh hoạ).
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu tăng mạnh nhất với 30,4%, trong khi châu Mỹ tăng 23,6% và châu Á tăng 16,1%. Các thị trường đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là đích đến chính của nông sản Việt Nam, trong đó kim ngạch sang Mỹ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5%. Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo) nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiềm năng nhất cho nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu tiêu dùng lớn, nhất là các sản phẩm như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, và trái cây nhiệt đới.
Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục được xem là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm hữu cơ, an toàn và đạt tiêu chuẩn bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, triển vọng năm 2025 rất tích cực, với kim ngạch có thể vượt mốc 65 tỷ USD nếu các ngành tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, nhận định rằng muốn giữ vững đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị, đồng thời đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố quyết định để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Với những thành tựu vượt bậc, năm 2024 đánh dấu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam, không chỉ về giá trị xuất khẩu mà còn về chất lượng và sự bền vững.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hiệu quả, bền vững, Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản gắn với phát triển hạ tầng logistics.
Mặt khác, các địa phương cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất, kinh doanh của người sản xuất, thực hiện hiệu quả nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ... nhằm đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, môi trường, lao động, xã hội... của các đối tác nhập khẩu.
Theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, với con số về xuất khẩu nêu trên, đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn minh chứng cho sức mạnh nội tại của ngành nông nghiệp Việt Nam, con số này hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu 100 tỷ USD xuất khẩu nông sản, theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, việc xây dựng các vùng trồng và vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, và tổ chức sản xuất khoa học là những yếu tố quyết định để nông sản Việt có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sẽ đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngành xuất khẩu.
Thanh Hoà
Bình luận