Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ năm, 20/04/2023 07:04
TMO - Trong những tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm giá trị xuất khẩu, tuy nhiên ngành hàng rau quả lại có tín hiệu phát triển khả quan, đặc biệt là với những dòng sản phẩm rau quả chế biến. Dự báo, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý II/2023.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, quý I/2023 xuất khẩu rau quả tăng từ 7 – 8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch tăng cao nên tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng nóng, sau Tết nhu cầu giảm nên xuất khẩu chậm lại. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời giá nguyên liệu cũng tăng lên, một số mặt hàng tăng giá mạnh như sầu riêng, thanh long,... khiến cho thị trường các loại trái cây này tại Việt Nam sôi động hơn hẳn.
Cũng từ hoạt động nhập khẩu trái cây mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nhiều cửa khẩu của Việt Nam cũng mở rộng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10% thậm chí cao hơn. Theo đó, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD trong năm 2023.
Phân tích về thị trường xuất khẩu trái cây trong quý II/2023, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vào ngày 17/9/2022 có hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hiện thị trường này vẫn liên tục đặt hàng mặt hàng sầu riêng Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Bước sang tháng 4/2023 trở đi, sầu riêng vào thời điểm chính vụ, hàng hoá dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng. Thêm vào đó, ngoài mặt hàng chủ lực sầu riêng thì cộng với mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện đã có 12 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.Trong đó, thanh long, đứng tốp đầu về các mặt hàng xuất khẩu ngành rau quả, cũng có cơ hội tăng tốc trở lại trong năm 2023 nhờ việc Trung Quốc mở cửa. Các thị trường lớn như Australia, Mỹ, Nhật Bản… cũng tăng nhập khẩu loại trái cây này và được hỗ trợ bởi giá cước vận tải đã hạ nhiệt. Do đó, khả năng lấy lại được mốc tỷ USD với loại quả này là khá hiện thực.
Thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Ngoài quả thanh long tươi, Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si-rô, rượu vang thanh long… Trong đó, một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.
Thanh long cũng là một trong những mặt hàng rau quả xuất khẩu giá trị cao. Ảnh: TL.
Chuối cũng có kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều so với con số hơn 300 triệu USD của cả năm ngoái, do “bệ phóng” là Nghị định thư về xuất khẩu được ký với Trung Quốc tháng 11/2022. Theo đó, chuối được xuất chính ngạch, với quy trình tổ chức sản xuất, bao gói được chuẩn hóa, từ đó tạo đà cho tăng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo. Chỉ riêng Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 sang thị trường này, sau Philippines.
Đối với thị trường Australia, hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang đây bao gồm xoài, nhãn, vải thiều, thanh long. Việt Nam đang đàm phán để chanh leo và bưởi được xuất sang thị trường này. Với thị trường New zealand đang có 3 loại trái cây được phép xuất khẩu là xoài, chôm chôm, thanh long. Riêng thị trường châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Mặt hàng rau quả xuất khẩu sang đây có mã số HS. 8109094 (gồm các loại trái lựu, mãng cầu (na), mận, thanh trà, chanh leo, sấu đỏ, táo ta và dâu da đất).
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tất cả các sản phẩm rau quả xuất khẩu, thì rau quả chế biến chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong kết quả xuất khẩu năm 2022, rau củ quả chế biến chiếm 1/3 lượng kim ngạch. Trong quý I/2023, tỷ lệ này cũng giữ được vị thế, cho thấy xu hướng của người tiêu dùng dần có sự tiếp nhận đối với sản phẩm này. Phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 đến 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp làm sản phẩm trái cây nào cũng đủ năng lực làm trái cây chế biến.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD. Không chỉ thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm EU cũng đã có thông báo gỡ bỏ kiểm soát chính thức và khẩn cấp 4 sản phẩm rau gia vị của Việt Nam là mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà. Như vậy, các sản phẩm rau gia vị trên của Việt Nam không còn bị kiểm soát ở mức 50% khi xuất khẩu vào thị trường EU. Sự khôi phục từ sản xuất đến xuất khẩu trở lại của mặt hàng rau gia vị sang EU.
Nguyễn Hân
Bình luận