Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ bảy, 29/10/2022 05:10
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước ước đạt gần 45 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước). Với đà tăng trưởng này, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp có khả năng đạt mốc lịch sử 53-54 tỷ USD, tiếp tục duy trì vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng đạt khoảng 7,7 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ riêng trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%.
Đến nay, có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%), cao su 2,8 tỷ USD (tăng 11,2%), gạo trên 2,9 tỷ USD (tăng 7,4%), hồ tiêu 829 triệu USD (tăng 4,7%), sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD (tăng 16,5%), cá tra trên 2,1 tỷ USD (tăng 76,5%), tôm 3,8 tỷ USD (tăng 20,3%), gỗ và sản phẩm gỗ 13,5 tỷ USD (tăng 11,4%), phân bón các loại 961 triệu USD (gấp 2,5 lần), thức ăn gia súc và nguyên liệu 942 triệu USD (tăng 9,2%).
Đặc biệt, một số sản phẩm có giá xuất khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 616 USD/tấn, tăng 72,7%; hạt tiêu khoảng 4.372 USD/tấn, tăng 26,9%; cà phê khoảng 2.301 USD/tấn, tăng 20,6%… Giá xuất khẩu sang gạo sang tháng 9 bắt đầu tăng nhẹ so với tháng 8, nhưng tính bình quân thì giá xuất khẩu khoảng 484 USD/tấn, giảm 8,3%; hạt điều khoảng 5.995 USD/tấn giảm 4,3%.
Cà phê tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực
Tuy nhiên, cũng nhiều mặt hàng chủ lực đã bị giảm giá, ví dụ nhóm hàng rau quả gần 2,8 tỷ USD (giảm 6,5%), hạt điều gần 2,6 tỷ USD (giảm 15,3%), sản phẩm chăn nuôi 326,9 triệu USD (giảm 8,7%). Hoặc như nhóm sắn và sản phẩm sắn tăng 16,5% khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm sắn lại giảm 0,6% với giá trị trên 190 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 11,4 tỷ USD (chiếm 25,4%); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD (chiếm 18,5%); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 7,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,1 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã có 4.814 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 10, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường này. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Về kim ngạch nhập khẩu, tính chung 10 tháng, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước trên 37,2 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 22,7 tỷ USD, tăng 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước trên 2,3 tỷ USD, tăng 40,6%; nhóm lâm sản chính 2,7 tỷ USD, tăng 7,4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,7 tỷ USD, giảm 5,2%; nhóm đầu vào sản xuất ước 6,7 tỷ USD, tăng 11,3%.
Khu vực châu Á chiếm 30,4% và là thị phần nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thứ 2 là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại dương chiếm 7,3%, châu Âu chiếm 4,3% và châu Phi chiếm 3,4%. Argentina, Hoa Kỳ, Trung Quốc là 3 thị trường cung cấp hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam.
Đối với công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ổn định giá, Bộ NN&PTNT cho biết đang theo dõi sát biến động thị trường; tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như nhãn, na, sầu riêng, xoài, thanh long, bơ… Đồng thời, Bộ cũng tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương thức mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.
Bộ NN&PTNT cho biết, hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất là cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này; lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực. Châu Âu đã xây dựng kế hoạch "làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này dần chuyển biến tích cực nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logistics lớn... Với sự mở rộng thị trường cho nhiều mặt hàng tiềm năng, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu từ năm đến cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm của ngành đạt khoảng 53 - 54 tỷ USD.
Hoàng Thái
Bình luận