Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 04:10
Thứ ba, 13/08/2024 14:08
TMO - Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với các khó khăn về kinh tế... là những thách thức tác động tới mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD của ngành gỗ Việt Nam trong năm 2024.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 7 năm 2024 đạt 1,46 tỷ USD, lũy kế 7 tháng năm 2024 đạt 9,36 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,78 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu một số sản phẩm chính của ngành gỗ đã tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đồ gỗ nội thất đạt 4,5 tỷ USD tăng 23,5%; sản phẩm gỗ xây dựng đạt 312 triệu USD, tăng 32%; dăm gỗ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 37%.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24,5%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; Nhật Bản đạt 949 triệu USD, giảm 2,73%, Hàn Quốc đạt 472 triệu USD, giảm 1%; EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44 % so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong 5 tháng cuối năm 2024 ngành gỗ cần đem về 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, ngành chế biến gỗ gặp không ít các khó khăn. Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro gia tăng, có thể khiến nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng cuối năm 2024 không được như những tháng đầu năm.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn; Kinh tế thế giới chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 chỉ tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Điều này, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm 2024 biến động, khó lường.
Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và các vấn đề liên quan đến bảo hộ sản phẩm hàng hóa. Giá cước vận tải biển tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành 3 vụ kiện liên quan đến ngành gỗ. Thêm vào đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.
Tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường; Tại thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu...
Xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng tới mục tiêu đạt trên 15 tỷ USD mặc dù còn nhiều thách thức (Ảnh minh họa).
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có rất nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Thêm vào đó, các mẫu mã thiết kế sản phẩm của Việt Nam cũng đang ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm.
Trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Việt Nam đã phê chuẩn và tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người là thị trường tiềm năng, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển.
Để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là cơ chế, chính sách bảo đảm gỗ hợp pháp; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thu thập thông tin kịp thời về tình hình chế biến gỗ và thị trường tiêu thụ lâm sản trên thế giới và trong nước, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất, nhập khẩu lâm sản để chủ động phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu do các vụ kiện gây ra...
Nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hội nghị giao ban, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản truyền thống của Việt Nam, tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng, như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ..., đồng thời quan tâm phát triển thị trường trong nước.
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, thu hút, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản thông qua việc tổ chức hiệu quả hội chợ, triển lãm. Tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin và có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với các vụ kiện thương mại.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản. Đồng thời, triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu theo hướng dẫn tại Quyết định số 2260/QĐ/BNN-LN ngày 9/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Sau đó, đánh giá và nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đức Hòa
Bình luận