Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 20:11
Thứ năm, 14/12/2023 11:12
TMO - Tất cả vùng trồng, cơ sở đóng gói dưa hấu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 - 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc". Việc ký kết Nghị định thư trên là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.
Nghị định thư xác định rõ các yêu cầu nhằm đảm bảo quả dưa hấu tươi của Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Từ đó, các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói của Việt Nam phải tuân thủ các quy định này. Quả dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm bao gồm: ba loài ruồi đục quả, một loài rệp và một vi khuẩn. Khi xuất khẩu dưa hấu tươi vào thị trường Trung Quốc thì sản phẩm không được phép nhiễm các đối tượng kiểm dịch này. Nếu sản phẩm bị nhiễm một trong năm đối tượng trên sẽ vi phạm quy định của thị trường Trung Quốc.
Tất cả vùng trồng, cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả nhà chức trách 2 quốc gia phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải đảm bảo giám sát vườn trồng, giám sát quy trình đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo dưa hấu quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số. Các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc.
Về lộ trình thực hiện, ngay sau khi Nghị định thư có hiệu lực đòi hỏi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải chuẩn hóa, tuân thủ theo quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho vùng trồng của Việt Nam, cho người nông dân và hợp tác xã cũng như các cơ sở đóng gói liên quan đến sản phẩm dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, đến nay đã có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc. Hiện, 14 loại nông sản, trong đó 9 trái cây được xuất chính ngạch gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng. Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 44 triệu USD, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, 90% lượng dưa hấu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, cùng với Mỹ và Nhật Bản. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn đạt 47,84 tỷ USD, tiếp tục hướng tới mục tiêu đưa giá trị xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, nhóm ngành hàng rau củ quả với giá trị xuất khẩu đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; tiếp đến là gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%...
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản 11 tháng đã qua đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường lớn kế tiếp, với giá trị xuất khẩu đạt lần lượt 9,5 tỷ USD (chiếm 20,6%) và 3,5 tỷ USD (chiếm 7,4%).
Hiện nay 14 loại nông sản, trong đó 9 trái cây của nước ta đã xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Với dân số trên 1,4 tỷ người, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Trong đó với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; xuất khẩu thanh long chiếm hơn 80%... với mặt hàng sắn, thị trường này cũng chiếm tới 91,47% tỷ trọng xuất khẩu; với cao su là 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tạo nên áp lực “chuẩn hóa” cho nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu…
Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng các ơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất/nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Về quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, VIETGAP, HACCP. Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu; tận dụng tuyến đường sắt liên vận Việt Nam- Trung Quốc.
Hồng Hạnh
Bình luận