Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ hai, 10/04/2023 04:04
TMO - Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương luôn xác định khoa học - công nghệ biển là giải pháp đi trước, mang tính đột phá nhằm phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giảm tối đa rủi ro cho các hoạt động trên biển...
Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu 5 quan điểm, trong đó có quan điểm “lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá.”Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.
Trong đó, đối với phát triển khoa học - công nghệ biển thực sự trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về nghiên cứu biển và hải đảo. Triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP trong tình hình mới, kể từ năm 2016 Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”.
Về xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển và phát triển hệ thống dự báo, phòng chống thiên tai, Bộ KH&CN đã tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ về nghiên cứu biển cho các tổ chức khoa học - công nghệ biển thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, nhiệm vụ thường xuyên trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm. Một số địa phương đã tích cực, chủ động trong việc đầu tư kinh phí cho các đề tài về khoa học, công nghệ biển; các nội dung nghiên cứu tập trung vào quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng bộ chỉ thị tổn thương môi trường vùng ven biển, phân vùng chức năng sinh thái, ứng dụng các công nghệ, mô hình mới trong khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Khoa học - công nghệ biển là giải pháp đi trước, mang tính đột phá nhằm phát triển kinh tế biển (Ảnh minh họa).
Trong thời gian qua, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã chú trọng thực hiện các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển. Một số nội dung bao gồm xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ tài liệu về các kết quả, sản phẩm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đại dương; xây dựng cơ sở dữ liệu về giao khu vực biển; xây dựng khung kiến trúc cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin phục vụ đồng bộ cơ sở dữ iệu tài nguyên và môi trường biển quốc gia và cơ sở dữ liệu địa phương; xây dựng bản đồ số hiện trạng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam; vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam,..
Cơ sở dữ liệu biển quốc gia đã, đang được xây dựng và tiếp tục hoàn thiện. Sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển chung là việc cần phải làm, trước tiên là đáp ứng yêu cầu cập nhật rất nhiều các dữ liệu mới và rất đa dạng đang được xây dựng để đưa ra phục vụ rộng rãi người dùng và trao đổi dữ liệu biển quốc tế. Cần có những triển khai đi sâu, để tiếp tục hoàn thiện cấu trúc, các chuẩn dữ liệu, cách thức phân loại dữ liệu, lựa chọn kiểu dữ liệu lưu trữ và cungcấp trong cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa cấu trúc các tài liệu đi kèm gói dữ liệu, tài liệu, chuẩn hóa phương pháp đánh giá chất lượng dữ liệu.
Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế: Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên, các công nghệ chế biến sâu làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm khai thác, các công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển mới.
Xác định và củng cố cơ sở khoa học, thực tiễn; nghiên cứu đề xuất các giải pháp, ứng dụng công nghệ đột phá trong điều tra, đánh giá tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, đặc biệt ở những vùng biển sâu, biển xa, các dạng tài nguyên mới, tài nguyên tái tạo; các công nghệ quan trắc, điều tra ngầm dưới nước, trên không, không người lái. Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn xác định chức năng, phân vùng chức năng các khu vực biển; sức chịu tải của vùng biển trong khai thác, sử dụng tài nguyên.
Xây dựng và phát triển công cụ, thiết bị, hệ thống hỗ trợ ra quyết định kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển; giám sát môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển theo hướng tích hợp. Thúc đẩy, củng cố hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó sự cố tràn dầu, tràn hoá chất và các sự cố môi trường khác trên các vùng biển của Việt Nam.
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ số, thiết bị không người lái (trên không, dưới nước); phát triển các mô hình sử dụng bền vững, tuần hoàn tài nguyên biển, hải đảo để nhân rộng; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước tài nguyên biển và hải đảo; gắn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với công tác điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Đầu tư phát triển trang thiết bị, phương tiện, nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ, viễn thám trong giám sát biển. Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển khoa học, công nghệ biển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chế biến sâu, công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường. Xây dựng quy định pháp luật, chính sách khuyến khích để phát huy tri thức cộng đồng trong phát triển khoa học, công nghệ biển và hải đảo.
Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc giaThiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, đảo của các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo mô hình dữ liệu lớn.
Đồng thời, xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản trị biển thông minh. Xây dựng các công cụ, ứng dụng phân tích khai thác cơ sở dữ liệu lớn, đưa dữ liệu thành các thông tin, hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, hỗ trợ đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Minh Trang
Bình luận