Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ năm, 21/09/2023 07:09
TMO - Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết thực hiện quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao nhiệm vụ triển khai “Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành”.
Hiện nay, thực trạng hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử của các địa phương còn nhiều hạn chế, hoạt động kém hiệu quả. Chính vì thế đặt ra bài toán làm thế nào để các sàn địa phương có thể phát triển tốt, vừa đảm bảo tính chất vùng miền, vừa tận dụng được các nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn.
“Đề án Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành” sẽ liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến, tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả. Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh này, nhằm phục vụ cho nhu cầu thúc đẩy giao dịch, mua sắm hàng hóa qua kênh thương mại điện tử của người dân, việc xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh thành (giai đoạn I) phù hợp với yêu cầu thiết thực của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc và phù hợp với mục tiêu về hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020.
Theo đó, sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành hướng tới 4 mục tiêu chính. Một là, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử. Hai là, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương trên cả nước về một địa chỉ.
Ba là, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc lựa chọn sản phẩm có trọng tâm của địa phương theo tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP… để triển khai sư kiện truyền thông, quảng bá thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến, tăng doanh số bán hàng. Bốn là, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Việc xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phù hợp với yêu cầu thiết thực của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc.
Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (đơn vị được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án) cho biết, sàn thương mại điện tử hợp nhất là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ trung ương đến địa phương và cũng là địa điểm để chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc.
Ngoài ra sàn thương mại điện tử hợp nhất còn cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng 1 nền tảng. Qua đó giúp doanh nghiệp, cá nhân phát triển thương mại điện tử, đồng thời tạo ra sự tập trung, thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng.
Thời gian tới, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử sẽ tiếp tục liên hệ và kết nối sàn hợp nhất với các sàn nhánh để hoàn thiện hệ thống, tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, từ đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Kết nối người sản xuất và người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử liên kết vùng là một cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số ở các vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo sự tương tác, trao đổi và tăng cường quan hệ giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó có thể thấy, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế từ dựa vào nguồn lao động và tài nguyên tự nhiên sang dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần kiến tạo điểm kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đất nước.
Thương mại điện tử liên kết vùng cho phép người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng truy cập vào thị trường mở rộng, tận dụng lợi thế của công nghệ và mạng Internet để thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến. Thương mại điện tử liên kết vùng cũng mang lại sự tiện lợi và linh hoạt cho người tiêu dùng bằng cách người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu, tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, có khả năng so sánh giá và chất lượng trước khi quyết định mua hàng.
Bộ Công thương đã đẩy mạnh liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử. Bộ đã triển khai hàng loạt các chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.
Các chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh; Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình, Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.
Với lợi thế của thương mại điện tử là giúp vận hành tiêu thụ hàng hoá khắp các tỉnh, thành phố thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đã được đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố. Các mặt hàng nông sản tiêu biểu như vải thiều, nhãn lồng, bưởi, na, dừa,... cùng các mặt hàng thực phẩm đặc sản như nước mắm, mật ong, cà phê... được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Các sản phẩm đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu bao gồm nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… vốn là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phương thức phân phối qua thương mại điện tử.
Trần Đức
Bình luận