Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 07:11
Thứ năm, 07/07/2022 19:07
TMO - Kinh tế tuần hoàn được coi là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo “ Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 31/12/2023; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, các bộ, UBND tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn góp phần giải quyết khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường
Về phía doanh nghiệp, người dân áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tận dụng diện tích mái nhà để phát triển năng lượng mặt trời áp mái. Thu gom, dự trữ để tái sử dụng nước mưa; thu hồi tái sử dụng nước thải sau xử lý. Thực hiện các giải pháp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được xác định trong kế hoạch hành động của Nhà nước.
Nhằm xây dựng một khung chính sách chặt chẽ để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện nay sang nền kinh tế tuần hoàn, sau khi Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực vào tháng 1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, công bố các quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.
Tại Nhật Bản, ý tưởng về hệ thống “Kinh tế tuần hoàn” đã có từ năm 1999 để giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản trong thế kỷ 21 như hạn chế các bãi chôn lấp, giảm khả năng cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại...
Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên và hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (thiết lập hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).
Nhật Bản đã tái thiết kế các giải pháp tái chế và chất thải của Nhật Bản hướng tới việc thiết lập hệ thống “Kinh tế tuần hoàn". Theo đó, xem xét các tiêu chí như lượng chất thải phát sinh, sự hữu ích của tài nguyên có trong sản, khắc phục những khó khăn trong việc xử lý và tiêu hủy sản...
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tối đa hóa nguồn tài nguyên và hiệu quả năng lượng
Vì thế, các chuyên gia tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh tới vấn đề, Việt Nam cần cân nhắc xem xét với khung kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Đó là cần sự nhất quán với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam; đồng thời lồng ghép các xu hướng và chương trình nghị sự toàn cầu.
Khung kế hoạch cũng cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác như EU, Nhật Bản và các nước ASEAN có những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, việc thiết lập các mục tiêu, kết quả và cụ thể hơn là từ việc lựa chọn các ngành/lĩnh vực ưu tiên để triển khai thực hiện trước trong điều kiện thực tế của Việt Nam…
Dựa trên kết quả khảo sát của JICA về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các chuyên gia đề xuất xác định 3 lĩnh vực ưu tiên cho triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam gồm các ngành công nghiệp (sản xuất chế tạo, năng lượng, xây dựng); Nông lâm thủy sản (trồng trọt, chăn nuôi) và du lịch (vận chuyển kho bãi và du lịch).
Góp ý về những lĩnh vực ưu tiên lựa chọn triển khai, các chuyên gia cho rằng, kinh tế tuần hoàn bao hàm nhiều lĩnh vực nên trong lộ trình cần xác định được các ngành/lĩnh vực cụ thể hơn và cần có lĩnh vực ưu tiên, dễ làm trước, khó làm sau hoặc lĩnh vực đã được các nước triển khai.
Đối với chiến lược tuần hoàn tài nguyên cho ngành nhựa, các chuyên gia nhấn mạnh tới Việt Nam cần giảm việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; có hệ thống tái chế bền vững, thúc đẩy nhựa sinh học; ngăn chặn rác thải nhựa trong môi trường; thúc đẩy đổi mới và đầu tư theo hướng các giải pháp tuần hoàn.
Minh Khánh
Bình luận