Hotline: 0941068156
Thứ năm, 07/11/2024 23:11
Chủ nhật, 21/01/2024 06:01
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 308 ngày 26/12/2022 thực hiện chuyển đổi số ngành NN&PTNT trên địa bàn tỉnh năm 2023. Sở NN&PTNT đã ban hành các Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện chuyển đổi số cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở và các văn bản triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành. Tổ chức các tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP; nhiều cơ sở đã hình thành được chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đưa một số sản phẩm có thương hiệu như thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, mật ong… xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi đạt trên 88%; tỷ lệ số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh trên 17%; tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử gần 20%; tỷ lệ nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng đạt trên 12%.
Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm xây dựng 2 mô hình ứng dụng công nghệ số. Thứ nhất là sản xuất thanh long với hệ thống điều khiển tưới và bón phân tự động, phần mềm sổ tay hướng dẫn... nhằm phục vụ tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước chuyển đổi hình thức từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất.
Mô hình thứ 2 là áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con gồm xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, hệ thống cho ăn tự động, phần mềm quản lý chuồng trại chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.
Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa tại xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường.
Năm 2024 ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí tổ chức các chương trình, hội nghị, lớp tập huấn nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ số, gồm 1 mô hình trồng trọt, 1 mô hình chăn nuôi áp dụng đồng bộ công nghệ số và 1 mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh quy mô 1 ha.
Để triển khai hiệu quả chương trình, tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng các công nghệ số vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các chuyên mục, phóng sự, tin, bài về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan đến ngành giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số.
Ứng dụng xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số trong sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Nông nghiệp về kiến thức, kỹ năng liên quan đến ứng dụng nền tảng số và an toàn an ninh thông tin mạng; thường xuyên phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn về kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
P. Hải
Bình luận