Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ hai, 20/03/2023 13:03
TMO - Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế số, ngành Nông nghiệp tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh, qua đó minh bạch thông tin sản xuất, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương.
Tỉnh Hải Dương được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây là một trong những vựa rau màu lớn của cả nước, trong đó có nhiều loại nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao. Trình độ thâm canh cùng với quy mô vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm năng suất và chất lượng.
Toàn tỉnh hiện có trên 20 công ty, hợp tác xã, tổ sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Để nông sản Hải Dương đáp ứng được hàng rào kỹ thuật đảm bảo điều kiện xuất khẩu, địa phương này đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm.
Thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng truy xuất bao gồm: Diện tích vùng trồng, nhật ký sản xuất về thời gian gieo trồng, các kỹ thuật áp dụng, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, diện tích, năng suất sản lượng các loại cây trồng, diện tích sản xuất an toàn, tọa độ vùng sản xuất... gắn với tem truy xuất nguồn gốc QR Code (Itrace247, Smartlifevn...) để phục vụ cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Nông sản của tỉnh Hải Dương, trong đó có vùng trồng vải thiều Thanh Hà đang được đẩy mạnh số hóa, tăng cường ứng dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: VM.
Đến hết năm 2022, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, trong đó 241 mã số vùng trồng cây ăn quả và 20 mã số vùng trồng rau. Trên 1.000 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR biến đổi, với nhiều sản phẩm được dán tem QR như dưa lưới, dưa chuột, cà rốt, vải thiều, nhãn...
Cùng với đó, Hải Dương đã phát triển những mô hình sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc như mô hình nuôi cá trắm giòn tại Nam Sách, mô hình trồng thanh long tại Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, vải thiều Thanh Hà, sản phẩm nhãn Chí Linh, mô hình trồng cà rốt tại Cẩm Giàng...
Nhiều năm gần đây, vải thiều là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hải Dương. Nông dân Hải Dương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, triển khai các mô hình trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap cho năng suất, chất lượng ngày càng vượt trội. Đây là điều quyết định để đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như nước Nhật Bản, Châu Âu... Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là hướng đi mạnh mẽ của Hải Dương để nâng cao giá trị nông sản.
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Hải Dương tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số. Đưa nông sản lên sàn thương mại, biến mỗi hộ sản xuất nông sản là một cửa hàng số. Ước tính toàn tỉnh Hải Dương có khoảng gần 115 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, hơn 110 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, khoảng hơn 310 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn.
Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp tỉnh Hải Dương tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương. Đồng thời, góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần kho bãi để phục vụ kinh doanh thương mại điện tử, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.
Vân Anh
Bình luận