Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ tư, 17/01/2024 07:01
TMO - Tỉnh An Giang xác định, đểphát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu.
Thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2023 toàn tỉnh thực hiện 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH&CN), trong đó 21 nhiệm vụ KH&CN góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (10 cấp tỉnh, 11 cấp cơ sở). Đối với lĩnh vực trồng trọt, có 10 nhiệm vụ được triển khai (3 cấp tỉnh, 7 cấp cơ sở), tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng chủ lực của địa phương, như: Lúa, cây ăn trái, rau màu... Đối với lĩnh vực thủy sản, triển khai 11 nhiệm vụ KH&CN (7 cấp tỉnh, 4 cấp cơ sở), tập trung nghiên cứu sản xuất giống, cải tiến quy trình ương nuôi, thương phẩm trên cá cóc, cá tra, lươn, cá lóc, cá trèn bầu, cá sát… Nghiên cứu đã giúp người nuôi chủ động được nguồn giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, các kết quả nghiên cứu về giống mới, kỹ thuật canh tác mới, mô hình ứng dụng phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương đã góp phần làm gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương. Điển hình như: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa”; dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang”; đề tài “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp đánh giá chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các tiểu vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do hạn ở tỉnh An Giang”; dự án “Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa tại HTX nông nghiệp Sơn Hòa”...
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, hầu hết kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được chuyển giao cho các đơn vị liên quan ứng dụng, nhân rộng trong thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân từng bước thay đổi nhận thức, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các hoạt động tuyên truyền, chủ sở hữu nhãn hiệu chú trọng nhiều hơn đối với tài sản trí tuệ của mình; việc hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đang hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ hiệu quả hơn.
Qua đó, góp phần chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, hoàn thiện quy trình sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, chế biến sản phẩm nông sản trong 4 ngành hàng chủ lực (lúa - gạo, cá tra, rau - màu và cây ăn trái) thuộc Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, một số ngành hàng tiềm năng (hoa kiểng, cây dược liệu…).
Ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như thiết bị bay không người lái trong sản xuất lúa (Ảnh minh họa).
Từ tháng 6/2020 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp VNPT An Giang ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT, Viettel An Giang hợp tác chuyển đổi số, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; dự báo tình hình thị trường nông sản, giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.
Năm 2023, tỉnh dành nguồn kinh phí 1,8 tỷ đồng để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tập huấn “Kỹ năng bán hàng online” trên nền tảng TikTok cho khoảng 100 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 19 doanh nghiệp tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee; đưa 88 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) lên trang sản phẩm OCOP tỉnh để tuyên truyền, quảng bá; đưa 150 sản phẩm OCOP, nông sản lên trang thương mại điện tử.
An Giang là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp như lúa gạo, cá tra xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Những năm qua, tỉnh phát triển mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy việc nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ, chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, mở rộng thêm cơ hội xuất khẩu.
Toàn tỉnh hiện có 33 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Máy bay không người lái (Drone) sạ lúa, phun thuốc trên đồng ruộng; trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời; canh tác xoài, rau màu, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP... Có 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng Drone (3 trong 1), thiết bị gieo sạ cụm gắn doanh nghiệp tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị ở hầu hết các ngành hàng chủ lực, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Tỉnh An Giang đã tập trung hợp tác nghiên cứu để phát triển giống mới và công nghệ sản xuất hạt giống mới; hoàn thiện tiêu chuẩn phẩm chất hạt giống... Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, đầu tư khoa học toàn bộ chuỗi giá trị của công nghiệp hạt giống An Giang. Xây dựng thương hiệu hạt giống và kinh doanh hiệu quả vật liệu gốc trong di truyền, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành hàng An Giang trên.
Hồng Hạnh
Bình luận