Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 23/10/2022 06:10
TMO - Việc chủ động, minh bạch nguồn gốc sản phẩm rất cần thiết, bởi nó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai. Ðến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 10 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, nâng tổng số tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực này lên 23 tiêu chuẩn. Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc được công bố lên tới hơn 30 tiêu chuẩn.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ dựng bảy tiêu chuẩn liên quan đến xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm nông sản, bốn tiêu chuẩn về xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm khác. Tổng cục đang lồng ghép trong các nhiệm vụ, dự án khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc như: Tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu (GS1); tài liệu hướng dẫn đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1...
Ảnh minh họa
Thời gian qua, thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai cùng với các địa phương đẩy mạnh việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các địa phương ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc trưng, mang tính vùng miền và là thế mạnh của các địa phương, đặc biệt chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP" được đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù địa phương, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường "khó tính".
Hiện nay, việc hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP tiêu biểu địa phương được thực hiện với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Thống kê cho thấy, đã có 61/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Ðề án; 50/63 địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong Ðề án; 45/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng, sản phẩm ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; 42/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh/thành phố; 38/63 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả đề án Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và nhân rộng mô hình tới các doanh nghiệp trong các ngành, nghề; thực hiện các hoạt động quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu. Ðể tăng số lượng doanh nghiệp quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy định liên quan đến mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc.
Minh Hà
Bình luận