Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ bảy, 25/11/2023 04:11
TMO - Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước hiện nay thì những nghiên cứu đổi mới công nghệ để áp dụng phương thức quản lý bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được nhấn mạnh triển khai.
Hiện nay, trên thế giới, đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, giải pháp quản trị nước thông minh tại Việt Nam cần được nghiên cứu, lựa chọn. Mô hình này đang được triển khai nghiên cứu áp dụng ngày càng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Theo đó, mô hình cho phép mô phỏng toàn hệ thống, quản lý tích hợp và hiệu quả, giảm chi phí nhân công, giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và công trình, giúp sớm phát hiện sự cố, ngăn chặn rò rỉ, thất thoát nước và chủ động có giải pháp sửa chữa, khắc phục, lên lịch bảo trì đường ống và chuẩn bị nguồn lực phù hợp.
Việc ứng dụng quản lý nước thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh. Áp dụng quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn và an sinh xã hội.
Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như có thể điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ...
Tại Việt Nam, để thực hiện mô hình quản trị nước thông minh, cơ quan quản lý đã và đang xây dựng quy định về thiết lập hệ thống giám sát online về chỉ số cấp nước và chất lượng nước của hệ thống cấp nước chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cấp nước. Đối với doanh nghiệp cấp nước cần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu, lắp đặt các van giảm áp thông minh; số hóa công tác chi thu, hóa đơn điện tử, kết nối với khách hàng qua Internet, đồng hồ thông minh, kết nối với trung tâm chi phí. Việt Nam nên ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước; đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước thì việc nghiên cứu đổi mới công nghệ để áp dụng phương thức quản lý cần được đẩy mạnh thực hiện.
Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nguồn nước và biến đổi chất lượng nguồn nước, đặc biệt tại các đô thị lớn; xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng gây nên hiện tượng thiếu nguồn nước ngọt; hạn hán gia tăng tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên... Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có những nghiên cứu đổi mới công nghệ tiên tiến để quản lý, phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đã bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó có nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua, cũng như vấn đề về quản trị tài nguyên nước hiện nay và trong thời gian tới. Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội cho rằng, trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thiết kế mô hình quản lý thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung, bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.
Dự thảo đã quy định để định hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải được thực hiện bằng công cụ mô hình số hóa thông tin, dữ liệu để hỗ trợ việc ra các quyết định về việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hết sức đúng đắn, bắt kịp với xu thế chung của thế giới và phù hợp với mục tiêu quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần đầu tư đủ nguồn lực để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bởi vì đây chính là nền tảng cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung cũng như là nền tảng để phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước nói riêng.
Mặt khác, để thúc đẩy việc đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định. Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét các quy định về cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân.
Lê Minh
Bình luận