Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ sáu, 17/03/2023 05:03
TMO - Những năm trở lại đây, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng cường việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương.
Tỉnh Quảng Trị có 246.000 ha diện tích rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 126.600 ha, rừng trồng 119.400 ha. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực trọng yếu, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, công cụ, phương tiện hỗ trợ còn thiếu nên một số thông tin diễn biến về rừng như cháy rừng, sạt lở, lấn chiếm đất rừng…chưa được cập nhật kịp thời.
Khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đã ẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) như sử dụng ảnh viễn thám, thiết bị bay không người lái (flycam) để quan sát, theo dõi nắm bắt những diện tích rừng có biến động, giúp cho lực lượng bảo vệ rừng tiết kiệm được thời gian, công sức khi thực hiện công tác tuần tra rừng. Ứng dụng ảnh viễn thám trong giám sát tài nguyên rừng, cập nhật diễn biến rừng, phần mềm Vtool, GPS, công cụ SMART... trong công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, việc ứng dụng khoa học công nghệ như sử dụng máy bẫy ảnh để phục vụ cho công tác điều tra, giám sát về các loài thú, các loài thuộc bộ gà…; sử dụng máy ghi âm trong việc điều tra vượn; sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao để kiểm tra, theo dõi và ghi nhận các loài động vật, thực vật trong khu bảo tồn.
Các phần mềm chuyên biệt được lực lượng kiểm lâm sử dụng để theo foix hiện trạng rừng, cảnh báo cháy rừng... (Ảnh minh họa).
Trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng các đơn vị chức năng đã ứng dụng các thiết bị để khảo sát, kiểm tra, đo vẽ thực địa như GPS, máy tính bảng, điện thoại di động được cài đặt phần mềm FMRS mobile hoặc Vtool để xác định vị trí, khoanh vẽ các lô rừng…và xác định được diện tích rừng, khoảng cách một cách nhanh chóng, chính xác; ứng dụng hệ thống quản lý, giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Trị; ứng dụng hệ thống cảnh báo cháy rừng; ứng dụng hệ thống dự báo cấp dự báo cháy rừng. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý theo dõi về danh mục động vật, thực vật rừng (động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm và lâm sản ngoài gỗ tại tỉnh Quảng Trị); xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý về cơ sở nuôi trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ trong công tác QLBV&PTR đã mang lại những kết quả tích cực, theo đó số vụ cháy rừng đã giảm dần qua các năm; tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đã tăng từ 229.844 ha (năm 2011) lên 245.996 ha (năm 2021); nâng tỷ lệ che phủ rừng qua các năm từ 47,1% (năm 2011) lên xấp xỉ 50% (năm 2021)…
Tại đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng; 50% diện tích rừng tự nhiên được ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ như SMART…trong công tác tuần tra bảo vệ rừng; ứng dụng các phần mềm để quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chú trọng trên nền tảng di động, từng bước hướng đến xã hội hóa các phần mềm, apps quản lý…; xây dựng 1 mô hình ứng dụng camera giám sát chuyên dụng trong công tác PCCCR; thí điểm ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc lâm sản iTwood cho 2 HTX tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC có liên kết với doanh nghiệp…
Đến năm 2030, tiếp tục duy trì ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng; 80% diện tích rừng tự nhiên được ứng dụng hiệu quả các phần mềm, công cụ hỗ trợ như SMART… trong công tác tuần tra bảo vệ rừng; duy trì ứng dụng các phần mềm để quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chú trọng trên nền tảng di động, từng bước hướng đến xã hội hóa các phần mềm, apps quản lý…; mở rộng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ thông minh iTwood cho gỗ rừng trồng của hộ gia đình, các cơ sở chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý gỗ hợp pháp…
Hoàng Sỹ
Bình luận