Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ sáu, 08/12/2023 07:12
TMO - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Trong đó, khoa học và công nghệ được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần phát triển bền vững trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội và môi trường khu vực nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, từ năm 2008- 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt và triển khai thực hiện 960 lượt đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 300 tỷ đồng; đóng góp của người dân hơn 42 tỷ đồng; đóng góp của doanh nghiệp hơn 72 tỷ đồng.
Các đề tài tập trung vào các nhiệm vụ áp dụng tiến bộ kỹ thuật để khảo nghiệm, lựa chọn các dòng thuần kết hợp với kỹ thuật canh tác tạo ra các giống cây có chất lượng, năng suất cao, có khả năng thích ứng với điều kiện đất đai, sinh thái trên địa bàn tỉnh; cải tạo và phát triển giống vật nuôi, chế biến, bảo quản nông sản; xây dựng liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng công nghệ sinh học chẩn đoán một số bệnh trên gia súc, gia cầm; ứng dụng các loại vắc xin thế hệ mới trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi; nghiên cứu, áp dụng mức tưới, hệ số tưới cho lúa trong quy hoạch, thiết kế, quản lý khai thác các công trình thủy lợi; bản đồ quản lý tưới…
Thông qua ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha canh tác đối với cây trồng (năm 2008 đạt gần 58 triệu đồng/ha, tăng lên hơn 104 triệu đồng/ha năm 2020), thủy sản (năm 2008 đạt 35,4 triệu/ha, tăng lên gần 194 triệu đồng/ha năm 2020), qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ổn định an sinh xã hội.
Mô hình trồng nho Hạ đen của hộ dân tại huyện Sông Lô do Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh chuyển giao kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TH.
Tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 120 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, đạt 89 %, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 76% và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 18% mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh đã có 105 sản phẩm OCOP, trong đó gồm: 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm truyền thống khác có chất lượng cao, chủ lực đã được doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường các nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số hạn chế. Các công nghệ sản xuất, chế biến nông sản còn ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao; việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Để đạt mục tiêu đề ra, địa phương này đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, vừa qua UBND tỉnh đã có quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 với mục tiêu thực hiện 15 nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50 sản phẩm đăng ký tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển nông thôn mới; đăng ký bảo hộ 25 nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, bản quyền tác giả; xây dựng 14 mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại 4 làng văn hóa kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới.
Để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh để triển khai thực hiện thuộc Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 4 mô hình khoa học và công nghệ sẽ được triển khai thực hiện ngay đó là: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hợp tác xã sản xuất và thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên; trồng sen và hoa, rau sạch tại thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc; trồng sen tại thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường; mô hình cây ăn quả Trám đen tại thôn Vân Nam, xã Vân Trục và thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch.
Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh áp dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất, tiếp cận tiến bộ KH&CN mới trong nước cũng như của các nước trong khu vực và thế giới bằng nhiều hình thức; mở rộng các mô hình, các dự án KH&CN, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, phù hợp với điều kiện ở từng vùng trong tỉnh, tiếp tục định hướng cho người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm nông nghiệp, du lịch...
Đức Tuấn
Bình luận