Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ sáu, 06/01/2023 02:01
TMO - Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường…việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đang góp phần giúp tỉnh Lâm Đồng nâng cao hiệu quả triển khai các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng hướng đến mục tiêu: Phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, sức cạnh tranh cao, từng bước mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Từng bước trở thành Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội phù hợp với quá trình đô thị hóa; đảm bảo hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với ổn định kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Trong đó, địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp hình thành chuỗi ngành hàng quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả trên các sản phẩm có lợi thế, gồm: cà phê, rau, hoa, dược liệu, sầu riêng, mắc ca, tơ tằm, bò sữa, cá nước lạnh và giống cây trồng nuôi cấy mô. Thực hiện các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện pháp lý và huy động vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất hoàn thiện hệ thống sản xuất, cung ứng giống; tiếp tục đổi mới, ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ vào từng khâu của quá trình sản xuất; phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn được số hóa, kiểm soát theo quy chuẩn, chất lượng gắn với phát triển công nghiệp chế biến; mục tiêu đến 2030 trên 40% sản phẩm được cung ứng cho thị trường đã chế biến với giá trị gấp 1,5 lần hiện nay.
Đối với lĩnh vực trồng trọt: Phát triển sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ số, quản lý nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Thực hiện cơ cấu lại các sản phẩm theo hướng ưu tiên các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp sơ chế, chế biến và phát triển các chuỗi giá trị; hướng đến xuất khẩu; Thủy sản: nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất giống thủy sản, áp dụng công nghệ nuôi Biofloc, hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) trong nuôi thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế, phòng chống dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với ngành chăn nuôi: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao, chủ động phòng chống dịch bệnh; bò sữa, bò thịt, lợn, gia cầm, tằm tiếp tục là các đối tượng vật nuôi chính, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ; thực hiện di dời, hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề đối với các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo ngành hàng
Thời gian tới, Lâm Đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất có hiệu quả: Thực hiện thí điểm và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, gồm: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch, vườn mẫu, trang trại mẫu. Tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chọn lựa, ứng dụng phù hợp các loại công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tiến tới công nghệ thông minh từ sản xuất đến thu hoạch bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị.
Đến 2030 diện tích sản xuất đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% diện tích canh tác toàn tỉnh; tiếp tục phát triển và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo ngành hàng trên các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh với tổng diện tích khoảng 30.000 ha cây trồng và 15.000 con vật nuôi. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn; quản lý chuỗi cung ứng nông sản ứng dụng blockchain; tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng công nghệ số.
Phát triển và đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gồm: phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, xây dựng nền tảng số dùng chung; xây dựng Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế số nông nghiệp; xây dựng nông thôn số, nông dân số; chuyển đổi số các lĩnh vực chuyên ngành, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai, nông thôn đảm bảo liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu theo Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thay đổi hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật từ đầu tư các mô hình cho các nông hộ nhỏ lẻ bằng đầu tư vào các liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo hiệu quả nhân rộng; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi hình thức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật.
Với các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đề xuất, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số; xây dựng cơ chế thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Minh Thùy
Bình luận