Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ năm, 29/08/2024 08:08
TMO - Ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chăn nuôi không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo được năng suất, đồng thời giảm thiểu các loại dịch bệnh.
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, sản lượng của người chăn nuôi. Trước thực tế đó, người dân trên địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Hiện tại, tổng đàn vật nuôi tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) đang có trên 25.800 con lợn; gần 7.000 con trâu, bò; hơn 408.000 con gia cầm. Hiện nay, toàn huyện có 63 trang trại đạt tiêu chuẩn; trong đó có 6 trang trại nuôi gia cầm, 9 trang trại nuôi trâu, bò, 48 trang trại nuôi lợn. Có 4 cơ sở chăn nuôi được công nhận trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP, 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 1 mô hình chăn nuôi tuần hoàn.
Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, các chủ trang trại, gia trại đã áp dụng nghiêm ngặt nhiều biện pháp kiểm soát môi trường như xây dựng chuồng trại kín đáo, thoáng mát, cách ly tốt với bên ngoài, sử dụng hệ thống làm mát và thông gió, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đồng thời, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và sử dụng thuốc thú y chất lượng. Ngay cả vấn đề thức ăn cho chăn nuôi và con giống cũng được kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay từ đầu vào, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích người dân tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp, đất thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo thành các mô hình lúa - cá; trang trại, gia trại tổng hợp…
Đến nay, hình thức chăn nuôi của huyện có bước chuyển biến rõ rệt, từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư hình thành các vùng chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, tạo điều kiện cho các hộ dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi khép kín vào sản xuất, chuyển dần từ phương thức truyền thống sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn sinh học, vệ sinh thú y.
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn được các trang trại ở huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) chú trọng triển khai. (Ảnh minh hoạ).
Đặc biệt các trang trại, gia trại quan tâm đến công tác xử lý chất thải như áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, sử dụng công nghệ hầm biogas…, tăng cường kiểm soát, chủ động phòng chống, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường. Đây được xem là định hướng phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp huyện Ý Yên.
Ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại được người dân huyện Ý Yên chú trọng, quan tâm. Tiêu biểu như tại trang trại tổng hợp của người dân thuộc xã Yên Thọ (huyện Ý Yên) với quy mô diện tích khoảng 2ha đã được quy hoạch thành từng vùng với các dãy chuồng nuôi lợn, ao thả cá và vườn trồng cây các loại.
Khu vực nuôi lợn được xây dựng theo công nghệ chuồng kín có quạt thông gió điều hòa tiểu khí hậu chuồng nuôi, duy trì thường xuyên nuôi trên 800 con lợn; dưới ao được người dân thả nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống trắm, trôi, chép, mè; trên vườn trồng các loại cây như bưởi, mít, đinh lăng, rau các loại… tạo thành mô hình VAC khép kín. Nguồn chất thải từ nuôi lợn được xử lý bằng công nghệ hầm biogas để khai thác khí sinh học làm chất đốt, bã phân được xử lý tiếp tục dùng làm phân bón cây; vườn cây lại cung cấp cỏ để nuôi cá và các loại rau xanh cho gia đình sử dụng hàng ngày.
Với phương thức sản xuất theo quy trình tuần hoàn, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn nhờ xoay vòng sản xuất, giảm chi phí đầu vào, doanh thu bình quân mỗi năm hộ gia đình trên thu được trên 1 tỷ đồng. Các mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao không chỉ xuất hiện ở xã Yên Thọ, mà ở các xã như Yên Thắng, Yên Nghĩa…người dân cũng dần tiếp cận với các hình thức chăn nuôi hiện đại, kỹ thuật mới.
Để tiếp tục phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tái đàn lợn phù hợp với quy hoạch. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến tới các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định.
Đồng thời tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trong dịp nắng nóng và giai đoạn chuyển mùa. Tổ chức các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tác hại của dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi của Bộ NN&PTNT ngày 14-6-2021, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng gắn với truy xuất nguồn gốc.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại huyện Ý Yên, từ đó sẽ giúp hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng vùng, tạo ra sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh, hướng đến hoà vào dòng chảy của nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, phát triển bền vững.
Quang Dũng
Bình luận