Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 09/09/2024 08:09
TMO - Trong những năm qua, kết quả nghiên cứu từ các chương trình khoa học, công nghệ biển đã có nhiều đóng góp quan trọng, là nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi trọng tâm để hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh từ biển.
Việt Nam là quốc gia có hơn 3.200 km đường bờ biển, mức độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế biển và ven biển có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế nói chung. Để thúc đẩy kinh tế biển, trong những năm qua, kết quả nghiên cứu từ các Chương trình khoa học, công nghệ biển cấp quốc gia và cấp bộ trong quản lý biển, hải đảo có nhiều đóng góp quan trọng, là nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong thời gian qua, Việt Nam về cơ bản đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững, hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh, giàu từ biển và đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, biểu hiện ở tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường tại một số vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững… Do đó, trong thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, trọng tâm, trọng điểm, trong đó vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế vừa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ xanh trong một số ngành và lĩnh vực, góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, mới đây Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy công nghệ xanh nhằm phát triển bền vững kinh tế biển”.
Khoa học, công nghệ là nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. (Ảnh minh hoạ).
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, trong đó khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Tại Hội thảo, các nhà khoa học trao đổi về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời xác định những điểm cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ xanh trong quản trị, quản lý, bảo vệ biển…
Tại Hội thảo, các diễn giả đã đề cập đến một số kết quả bước đầu về phát triển kinh tế biển xanh thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; công nghệ xanh trong tái chế và xử lý chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy kinh tế biển xanh; công nghệ, giải pháp xanh trong lĩnh vực hàng hải; tiềm năng năng lượng tái tạo từ biển và công nghệ xanh để phát triển điện gió ngoài khơi,…
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng việc chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ xanh trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế biển đang đi đúng hướng, phù hợp với cách tiếp cận của nhiều quốc gia có biển trên thế giới. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đồng thời khẳng định để có thể xây dựng, ban hành được các chính sách pháp luật mang tính khả thi và bền vững, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, đảm bảo cơ sở khoa học, là đầu vào cho việc xây dựng chính sách pháp luật về biển.
Trong thời gian qua, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực về biển cũng như việc bố trí ngân sách cho nghiên cứu, điều tra cơ bản về biển còn nhiều hạn chế, do đó mong muốn được các cấp quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ khoa học phát triển và cống hiến nhiều hơn nữa.
Một số chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, thế giới đang thúc đẩy chuyển đổi xanh, với vai trò to lớn của biển và đại đương, đòi hỏi các quốc gia có biển trong đó có Việt Nam cần sớm thay đổi tư duy phát triển, đổi mới công nghệ nhằm hướng đến một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết, bởi nó ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu. Vì thế, liên kết quốc tế và đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ biển là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức không của riêng ai, để giải bài toán phát triển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Biển Việt Nam không chỉ giàu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là không gian sinh tồn. Do đó Việt Nam cần xác định mục tiêu chiến lược là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển; phát triển kinh tế biển bền vững,... Để đạt được mục tiêu như vậy, phát triển khoa học và công nghệ biển được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và là một trong 03 khâu đột phá chiến lược đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy nền kinh tế biển xanh như tận dụng tiềm năng điện gió, năng lượng mặt trời, điện sóng…từ biển; các giải pháp quản lý chất thải, xử lý chất thải bảo vệ môi trường biển…
Để “Thúc đẩy công nghệ xanh nhằm phát triển bền vững kinh tế biển” cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong các hoạt động liên quan đến “biển xanh” được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản, đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cần cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, và đẩy mạnh triển khai các nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ đã nêu ra nhằm phát triển kinh tế biển bền vững.
Hoàng Yến
Bình luận