Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ sáu, 14/06/2024 14:06
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để cảnh báo sớm thiên tai, giúp cơ quan quản lý cũng như người dân nâng cao năng lực phòng tránh, chủ động ứng phó kịp thời.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các địa phương, đơn vị, theo chức năng, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); cùng với đó triển khai các giải pháp thông minh trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với chính sách, định hướng phát triển của Quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương có sự tham gia của các bên liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển bền vững.
Để triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ Bộ TN&MT, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai (PCTT) trên phần mềm trực tuyến Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; sử dụng App PCTT của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT để cập nhật tình hình thời tiết, các bản tin cảnh báo thiên tai; khai thác, cập nhật số liệu hệ thống đo mưa chuyên dùng.
Cùng với đó, tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành lập nhóm Zalo thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để cập nhật các thông tin từ các thành viên. Từ đó kịp thời chỉ đạo các biện pháp, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc còn xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về PCTT phục vụ chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; hệ thống kết nối phòng họp trực tuyến của Văn phòng Thường trực Ban PCTT&TKCN tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT để tham gia các cuộc họp trực tuyến khẩn khi có thiên tai, bão lụt xảy ra..., qua đó thông tin nhanh, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành công tác PCTT.
Để kịp thời có thông tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu.
Cụ thể, đơn vị đã đưa hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng SmartMet vào sử dụng nhằm tích hợp số liệu quan trắc bề mặt, sản phẩm ảnh rada, vệ tinh, mô hình dự báo…trên cùng một phần mềm; ứng dụng giám sát số liệu về KTTV; ứng dụng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á và hệ thống đo mưa tự động Vrain... cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn nguy hiểm cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, các cơ quan theo quy định.
Trạm KTTV Vĩnh Yên ứng dụng cộng nghệ 4.0 trong các khâu từ quan trắc, truyền tin đến xử lý dữ liệu và dự báo cảnh báo thiên tai. Ảnh: TH.
Việc xác định thông tin, dữ liệu KTTV có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai mà còn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành KTTV giúp đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thủy văn, qua đó dự báo và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm trên phạm vi khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ tới các ban, ngành, địa phương để chỉ đạo, điều hành. Từ đó giúp người dân có phương án sản xuất phù hợp, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết gây ra.
Để từng bước hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc các yếu tố KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khoa học và hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, kịp thời, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2278 về phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng đến năm 2025.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 trạm KTTV quốc gia, trong đó có 2 trạm khí tượng, 1 trạm thủy văn và 7 trạm đo mưa. Thực hiện Quyết định số 2278, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển thêm 3 trạm sử dụng công nghệ quan trắc tự động; 10 trạm sử dụng công nghệ quan trắc đo mực nước, đo mưa tự động. Lắp đặt thêm hệ thống đo mưa chuyên dùng bổ sung vào mạng lưới quan trắc đo mưa của tỉnh; rà soát, lắp đặt hệ thống cảnh báo ngập lụt tại một số vị trí xung yếu.
Lắp hệ thống camera giám sát đê điều, giám sát mực nước trên các tuyến sông; xây dựng mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, hướng tới đáp ứng được yêu cầu trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV chi tiết đến cấp xã, phường, thị trấn; nâng cấp cơ sở dữ liệu KTTV, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có độ tin cậy cao, phù hợp tiến trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được nhận định là một trong các quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo sớm của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung là phương án tối ưu để giảm thiểu rủi ro do thiên tai mang lại. Đồng thời sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng sớm có kế hoạch để ứng phó trước những biến động khó lường từ thời tiết cực đoan.
Hoài Thu
Bình luận