Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/04/2025 19:04
Thứ bảy, 26/04/2025 12:04
TMO - Việc phát triển hệ thống cảnh báo tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, kết hợp các kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường): Trong giai đoạn từ năm 2015-2024, tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, lũ quét, sạt lở đất làm 79 người chết, mất tích/năm; là một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại về người tại khu vực (chiếm 36%) số người chết, mất tích do thiên tai gây ra.
Các trận sạt lở đất điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản: Sạt lở đất ngày 12-10-2020 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 công nhân mất tích. Tiếp đó, đêm 12-10-2020, đoàn công tác 21 người trong khi di chuyển vào thủy điện Rào Trăng 3 để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thì bị sạt lở núi vùi lấp tại Trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh... Đặc biệt đợt mưa lũ sau bão số 3 (Yagi) tháng 9-2024, những trận lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão đã làm 265 người chết, mất tích… Thực tế này đòi hỏi cần nâng cao năng lực cảnh báo sạt lở đất, lũ quét.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét sạt lở đất thời gian thực do Trung tâm và Cục Khí tượng Thủy văn trực tiếp vận hành và có thể truy cập tại địa chỉ web http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/. Để ứng phó hiệu quả với nguy cơ này, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực đã được phát triển và đưa vào vận hành tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ trong nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo sớm thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hệ thống được cập nhật từng giờ, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã và có thể dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 6 giờ. Thông tin dữ liệu cung cấp cho các nhà quản lý và địa phương dựa trên nền tảng WebGIS, tích hợp nhiều mô-đun chức năng như giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn nhằm hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin.
Hệ thống đạt hiệu quả cao nhờ nguồn dữ liệu tích hợp vào hệ thống rất đa dạng, bao gồm tín hiệu từ 10 radar thời tiết, hơn 3.500 trạm quan trắc mưa tự động, cùng với dữ liệu dự báo từ các mô hình khí tượng số. Ngoài ra, hệ thống tích hợp các vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, theo dõi chỉ số độ ẩm đất. Cùng với việc theo dõi và cập nhật dữ liệu liên tục, hệ thống cũng đang được nâng cấp ở nhiều phương diện; tăng cường kết nối với Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng như các cổng thông tin địa phương.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho rằng, công tác dự báo đã có bước tiến, nhưng đặc thù địa hình hiểm trở, mưa lớn ngắn hạn và nền địa chất phức tạp vẫn gây khó khăn trong việc xác định chính xác nơi và thời điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Mắc dù đã có khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo trực tuyến đến cấp xã, nhiều khu dân cư vẫn nằm trong vùng nguy hiểm mà chưa được di dời. Dự báo thiếu chi tiết, bản đồ nguy cơ có tỷ lệ nhỏ, hệ thống thiết bị lạc hậu khiến công tác phòng ngừa và ứng phó còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn yếu, lực lượng xung kích thiếu nhân lực và thiết bị, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm đảo lộn các quy luật mưa, lũ truyền thống. Nạn phá rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép càng khiến nguy cơ thiên tai gia tăng, trong khi việc di dời dân cư còn gặp khó do thiếu quỹ đất và sinh kế lâu dà
Trước thực trạng trên, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, về thể chế cần hoàn thiện khung pháp lý, tăng đầu tư vào công trình phòng, chống và kiểm soát quy hoạch xây dựng.
Về công nghệ, cần ứng dụng AI và cảm biến hiện đại, xây dựng bản đồ rủi ro đến tận cấp thôn, bản. Ngoài ra cần truyền thông dễ hiểu, tập huấn ứng phó, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích và hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp.../.
Trần Hằng
Bình luận