Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ tư, 03/07/2024 14:07
TMO - Xác định tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong duy trì đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu… thời gian qua lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm theo dõi, giám sát, bảo vệ rừng hiệu quả.
Thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 967.418,35 ha. Tính đến 2023 diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 780.530,86 ha. Trong đó diện tích đất có rừng là 616.123,37 ha (gồm rừng tự nhiên là 552.287,28 ha; rừng trồng là 63.836,09 ha). Diện tích đất chưa có rừng là 164.407,49 ha (bao gồm cả 16.804,70 ha đất đã trồng chưa thành rừng). Độ che phủ rừng trên toàn tỉnh Kon Tum đạt 63,69%.
Để tăng cường bảo vệ rừng hiệu quả, các đơn vị chức năng, lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã ứng dụng công nghệ hiện đại giúp công tác kiểm soát hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 cơ sở của người dân nuôi động vật hoang dã được cấp phép, gồm 2 cơ sở tại thị trấn Plei Kần nuôi tổng cộng 128 cá thể cầy vòi hương và 3 cơ sở tại xã Đăk Xú nuôi tổng cộng 179 cá thể cầy vòi hương và cá thể dúi mốc nhỏ.
Nếu như trước đây, mọi thông tin về hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã được cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Ngọc Hồi quản lý qua sổ theo dõi, khi có sự thay đổi về tăng, giảm số lượng cá thể động vật hoang dã đang nuôi (nhập giống, xuất bán, sinh sản cá thể), chủ cơ sở nuôi phải chủ động kê khai vào sổ và báo cáo để cán bộ kiểm lâm địa bàn đến kiểm tra gây mất nhiều thời gian, thì từ năm 2022, Hạt đã đưa vào thử nghiệm, áp dụng phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã-Wild life (do các tổ chức và Chính phủ nước ngoài tài trợ). Phần mềm cung cấp cho cơ quan kiểm lâm công cụ lưu trữ, cập nhập thông tin và lập báo cáo về gây nuôi động vật hoang dã tại địa phương của mình.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi chia sẻ, hiện nay, những thông tin, biến động về hoạt động gây nuôi động vật hoang dã sẽ được cập nhật lên hệ thống phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã. Từ đó tạo thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, theo dõi, tra cứu những thông tin, như bản đồ vị trí cơ sở nuôi, nguồn gốc lâm sản, cấp mã số cơ sở nuôi.
Không chỉ có huyện Ngọc Hồi, ứng dụng công nghệ số trong quản lý bảo vệ rừng hay động vật hoang dã cũng được Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG) Chư Mom Ray áp dụng. Cụ thể, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG) Chư Mom Ray đang sử dụng phần mềm Smart được cài đặt trên điện thoại thông minh để sử dụng đăng tải dữ liệu bản đồ, cập nhật lộ trình, hình ảnh, thông tin các đợt tuần tra, truy quét rừng, quản lý rừng giáp ranh với đất sản xuất của người dân.
BQL VQG Chư Mom Ray ứng dụng thiết bị bay không người lái trong điều tra, giám sát biến động rừng. Ảnh: ĐT.
Để tổ chức triển khai hiệu quả phần mềm Smart, BQL VQG Chư Mom Ray đã đầu tư, trang bị cho các trạm quản lý bảo vệ rừng, tổ cơ động lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế từ 2-3 chiếc điện thoại thông minh để cán bộ, viên chức sử dụng. Đặc biệt, ngay từ năm 2023, BQL VQG Chư Mom Ray còn đầu tư, mua sắm 2 thiết bị bay không người lái (flycam) với nhiều chức năng hiện đại để đội ngũ cán bộ sử dụng trong quá trình tuần tra, đối chiếu bản đồ hiện trạng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, viên chức, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL đã nắm bắt và sử dụng thành thạo các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin. Từ khi sử dụng các phần mềm, thiết bị, chất lượng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng của BQL ngày càng được nâng lên.
Cùng với lực lượng kiểm lâm hay BQL VQG thì các đơn vị chủ rừng cũng tích cực tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các chủ rừng còn mạnh dạn đầu tư các thiết bị bay không người lái; sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bản đồ Locusmap để tuần tra rừng…
Ứng dụng phần mềm Locusmap thay thế cho bản đồ giấy truyền thống. Các bản đồ giấy truyền thống khi lực lượng đi tuần phải mang theo định vị, la bàn, khi cần xác định điểm tọa độ vị trí mất thời gian khá lâu, độ chính xác thấp vì sai số khi thực hiện đo; với sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều ứng dụng miễn phí trong sử dụng bản đồ được xây dựng.
Đến nay, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Kon Tum đang áp dụng các công nghệ, gồm phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS, Mapinfo, QGIS), hệ thống thông tin cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm, phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã và các ứng dụng phục vụ tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên điện thoại thông minh (Smart, iGeo Trans, Geo Pfes, Forestry 4.0). Đối với các đơn vị chủ rừng, các ứng dụng phục vụ tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên điện thoại thông minh hay thiết bị bay không người lái được đầu tư, áp dụng rộng rãi.
Từ quá trình ứng dụng công nghệ trong giám sát diễn biến rừng không chỉ ở Kon Tum mà còn ở nhiều địa phương khác đã dần thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra, thống nhất dùng chung trên cả nước về quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở.
Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám hiện đại…Từ đó góp phần bảo tồn phát triển rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học tại địa phương.
Bích Ngọc
Bình luận