Hotline: 0941068156
Thứ hai, 18/11/2024 16:11
Chủ nhật, 17/11/2024 05:11
TMO - Nhằm đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong công tác quản lý, giám sát rừng trong tình hình mới, ngành Lâm nghiệp của Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo vệ rừng. Các thiết bị, phần mềm công nghệ được chú trọng sử dụng đã giúp lực lượng Kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất ngờ, cập nhật chính xác các biến động về rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng với giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Thông tin từ Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, hiện nay, dư địa diện tích đất để phát triển rừng trồng mới không còn nhiều, do vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cải thiện chất lượng giống là giải pháp rất quan trọng.
Trong khi đó, ứng dụng chuyển đổi số, các phần mềm trong đo đạc, định vị sẽ có vị trí, vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ, giám sát, cấp mã số vùng trồng cho các vùng rừng nguyên liệu. Cụ thể, theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho thấy, lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng với giá trị xuất khẩu đạt trên 13,2 tỷ USD, đóng góp trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, đạt 5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (năm 2021 đạt 15,96 tỷ USD, năm 2022 đạt 17,09 tỷ USD, năm 2023 đạt 14,39 tỷ USD).
Đồng thời tạo việc làm, nâng cao sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng, ổn định trật tự xã hội; ngoài ra, rừng còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ bảo vệ vùng đầu nguồn, duy trì nguồn nước, bảo vệ vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong đó có các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp, đây là xu hướng tất yếu để đảm bảo ngành lâm nghiệp đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững. Từ năm 2013, Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng Hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp - gọi tắt là Hệ thống FORMIS.
Hệ thống này đóng vai trò là nền tảng (Platform) để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm/ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành lâm nghiệp. Dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp hiện có đã được cài đặt, tích hợp vào Hệ thống FORMIS gồm: CSDL tài nguyên rừng (được chuẩn hóa, thiết lập CSDL từ kết quả Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và cập nhật số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2017).
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh minh hoạ).
Dữ liệu điều tra rừng quốc gia 5 chu kỳ: 1990-2010 (Viện Điều tra quy hoạch rừng thực hiện); CSDL về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng (Viện Sinh thái và môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); CSDL chi trả dịch vụ môi trường rừng; CSDL rừng ven biển; Thông tin mùa vụ trồng rừng; Thông tin các khu rừng đặc dụng.
Hiện nay, các phần mềm chính đang vận hành thường xuyên để cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành gồm: Phần mềm giám sát đánh giá chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm/Sở NNPTNT các địa phương vận hành, cập nhật hàng tháng các chỉ tiêu thống kê lâm nghiệp và các nhiêm vụ thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững); Phần mềm theo dõi diễn biến rừng (Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các địa phương vận hành, cập nhật thường xuyên về diễn biến rừng); Ứng dụng quản lý điều hành/báo cáo trực tuyến của Cục Lâm nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị trong lĩnh vực lâm nghiệp đã xây dựng và ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có ứng dụng thực tế cao, góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, hệ thống cảnh báo cháy rừng tự động; hệ thống phát hiện sớm cháy rừng; biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động; bộ quan trắc mặt đất giám sát cháy rừng; hệ thống phát hiện sớm mất rừng.
Trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản, có hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp - ITWOOD do Trung tâm Kinh tế Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng và đang thử nghiệm. Trong xây dựng nền tảng để phát triển thông tin, dữ liệu dùng chung có hệ thống thông tin lâm nghiệp - Forestry 4.0 (Viện Sinh thái rừng và Môi trường - Trường Đại học Lâm nghiệp xây dựng, đang nghiên cứu kết nối với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp - FORMIS).
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, đối với lĩnh vực chuyển đổi số trong lâm nghiệp, ngành đã sớm xây dựng được hệ thống nền tảng, làm cơ sở thiết lập hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành đã thiết lập được bộ dữ liệu cơ bản ngành lâm nghiệp.
Nhiều ứng dụng công nghệ số đã được phát triển và vận hành, giúp cho công tác quản lý, điều hành và ra quyết định kịp thời và chính xác, giúp công tác giám sát tài nguyên rừng hiệu quả hơn, từ đó, giảm thiểu nguy cơ suy thoái rừng, và cải thiện khả năng bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu (năm 2013), nên đến thời điểm hiện tại, hệ thống nền tảng có nhiều tính năng, tiện ích không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng ngày càng cao.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật mới (dữ liệu tài nguyên rừng; giống cây trồng lâm nghiệp...); thông tin, dữ liệu còn manh mún... Đồng thời, hệ thống CSDL chưa được kết nối, liên thông với các địa phương và các đơn vị liên quan. Theo Cục Lâm nghiệp, đến nay vẫn còn thiếu (hoặc chưa được ứng dụng hiệu quả) các ứng dụng, dịch vụ công nghệ số thông minh.
Đơn cử như như phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics); công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI (ứng dụng AI để phân tích hình ảnh và dữ liệu từ vệ tinh, drone hoặc cảm biến; hỗ trợ nhận diện loại cây, …); ứng dụng trong theo dõi nguồn gốc gỗ; nền tảng quản lý và giám sát rừng theo thời gian thực; phân tích carbon và phát thải khí nhà kính từ rừng… Mặt khác, việc chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ, từ mạng máy móc, thiết bị đến các phần mềm phân tích.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sử dụng điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm để giám sát, kiểm tra diễn biến rừng. (Ảnh minh hoạ).
Điều này đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn ngân sách còn khó khăn. Thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng về công nghệ số. Chuyển đổi số đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan, từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa và đảm bảo an ninh dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế. Về định hướng chuyển đổi số ngành lâm nghiệp thời gian tới, Cục Lâm nghiệp xác định, xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác, kịp thời thông qua các ứng dụng công nghệ số. Tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực thi công việc của các cơ quan lâm nghiệp các cấp. Cục Lâm nghiệp cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong lâm nghiệp như: Đầu tư vào hạ tầng công nghệ/hạ tầng kỹ thuật số; xây dựng hệ thống CSDL toàn diện (kho dữ liệu) về lâm nghiệp để lưu trữ, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin trên toàn quốc. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng và các lĩnh vực đặc thù của ngành.
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực và kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng về công nghệ số, đồng thời, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lâm nghiệp các cấp. Thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng và thống nhất về quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.../.
Hương Giang
Bình luận