Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 08/12/2024 06:12
TMO - Tại Thái Nguyên, người làm chè đang dần thay đổi tư duy, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và năng suất chè, nhất là trong vụ Đông khi thời tiết lạnh giá khiến chè khó ra búp. Điều này tạo nên điểm nổi bật trong sản xuất, chế biến chè, hướng tới nâng cao giá trị cây chè của Thái Nguyên.
Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè - Đây là một trong những phương hướng phát triển được xác định trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thái Nguyên hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để trở thành trung tâm chế biến chè; người trồng, chế biến và kinh doanh chè sẵn sàng nắm bắt cơ hội và luôn kỳ vọng phát triển ngành chè, đưa thương hiệu trà Thái Nguyên vươn cao, vươn xa hơn.
Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng chè dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu sản xuất với quy mô gần 22.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã (HTX), 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao.
Tuy nhiên, vào thời điểm mùa Đông, khi gió lạnh hơn sẽ khiến cây chè khó phát triển, ra búp hơn bình thường. Do đó khiến thời gian đợi thu hái mỗi lứa chè dài gấp rưỡi so với chính vụ nên bắt đầu khan hiếm chè nguyên liệu, giá chè tăng cao từng ngày bởi thị trường chè phục vụ Tết nguyên đán 2025 đã cận kề.
Mặc dù vậy, chè vụ Đông từ lâu đã là nguồn thu quan trọng của nhiều hộ ở “vùng thấp”, mùa Đông năm nay, nhiều vùng chè của huyện Võ Nhai mới bắt đầu phát triển sản xuất những lứa chè “trái vụ” này. Xã Liên Minh là vùng chè lớn nhất của huyện, tổng diện tích 395 ha, sản lượng gần 4.000 tấn búp tươi mỗi năm. Xã vùng cao đặc biệt khó khăn này đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2024. Hiện 95% thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, chè là cây kinh tế mũi nhọn.
Đại diện một HTX chè trên địa bàn xã Liên Minh cho biết, những năm trước tỷ lệ chè Đông của HTX rất ít, năng suất cũng thấp, cụ thể nếu 01 ha vào chính vụ thu được 2,5 tấn chè tươi/lứa thì mùa Đông nếu có chăm sóc tốt cũng chỉ được khoảng 7 tạ - 8 tạ. Lý do ít làm được chè Đông vì cây chè không phát triển được khi nhiệt độ xuống thấp.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng cách chăm sóc mới, việc sản xuất chè vụ Đông rất có triển vọng. Năm 2024, một số HTX này được hỗ trợ dự án tưới cho diện tích nhất định, đặc biệt chè Đông chưa bị giảm sản lượng trên diện tích chè lai LDP1 và chè trung du. Thời điểm này giá quá tốt, búp tươi từ 20 nghìn đồng/kg lúc chính vụ tăng lên 40 nghìn đồng, một số dòng chè thơm lên tới 70 nghìn đồng/kg búp tươi. Đối với người dân, nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như tưới bằng hệ thống tự động, các hộ gia đình đã làm được chè vụ Đông và đỡ rất nhiều công lao động.
Công nghệ tưới nước tự động cho chè đã giúp người dân Thái Nguyên canh tác chè Đông thuận lợi hơn. (Ảnh minh hoạ).
Trước đây mỗi khi tưới phải có ít nhất 2 người giúp chạy máy bơm, còn nay chỉ cần cắm điện, bật công tắc là toàn bộ vườn chè đã được tưới xong, rất dễ dàng. Tại xóm Tân Thành, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai), một số người trồng chè chia sẻ, cây chè là cây kinh tế mũi nhọn trong suốt nhiều năm qua, ngoài chè ra không có nguồn thu nào khác, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ làm chè vụ Đông.
Những năm trước vườn chè giống Lai xanh chỉ được thu 07 lứa/năm, lại đúng vào những tháng rẻ nhất nên sau khi trừ chi phí chẳng còn lại được là bao. Năm nay, nhiều hộ dân được hỗ trợ phân bón và tập huấn làm chè vụ Đông, nhờ nắm được kỹ thuật và nỗ lực chăm bón, chè đậm và thơm hơn nên dễ bán và bán được giá cao hơn, nhất là các lứa vào vụ cuối năm.
Đáng chú ý, nhờ đường giao thông phát triển, chè vùng cao được đến thu mua tại vườn, phân bón cũng được chở đến bán tại vườn, bà con nông dân rất thuận lợi trong sản xuất. Chè vụ Đông tuy ít lứa và năng suất không cao như mùa hè nhưng tiền thu về không giảm, có khi còn tăng vì chất chè thơm đậm, ngon, giá đắt gấp đôi, gấp ba so với mấy tháng trước, lại đỡ tốn công lao động. Cái khó để mở rộng làm chè vụ Đông là còn nhiều diện tích thiếu nước.
Người dân tưới cấp ẩm vào buổi chiều để giúp cây sinh trưởng và phát triển bình thường và tưới buổi sáng để rửa trôi sương muối trên lá giúp cây không bị hư hại, cháy táp. Để ngăn chè “ngủ Đông” và giữ cho cây chè luôn tràn đầy nhựa sống, ngoài đảm bảo tưới đủ nước, các hộ làm chè cũng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật trong chăm bón, bảo vệ thực vật, dùng các loại phân cung cấp dưỡng chất cần thiết và giữ ấm đất, đồng thời điều chỉnh thời gian đốn để cho chè ngủ luân phiên.
Do hiếm chè vào dịp ngay trước và sau Tết Nguyên Đán, nên một số hộ bắt đầu đốn chè sớm hẳn vào cuối tháng 8 hoặc để muộn hẳn sau Tết mới đốn, mỗi luống đốn cách nhau khoảng 25-30 ngày nhằm “rải vụ”. Hầu hết các hộ sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để có sản lượng chè vụ đông đạt cao. Được biết, nhờ phương pháp lai tạo và lựa chọn giống tốt, trên thế giới đã có những giống chè có thể trồng ở những nơi nhiệt độ mùa đông xuống dưới âm 20 độ C.
Cây chè là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh minh hoạ).
Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và các vùng chè của tỉnh, đã có một số giống chè chịu lạnh như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LP18, PH8, PH12, PH14… Nổi bật là giống chè PH10 được trồng ở nhiều địa phương bởi phẩm chất tốt, khi chế biến chè xanh cánh rất đẹp, hương thơm mạnh cùng vị đậm dịu, năng suất chè đông không thua kém chính vụ. Diện tích chè Đông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện chủ yếu là chè LDP1.
Đặc biệt là cây chè trung du trồng hạt có sức chống chọi mãnh liệt đối với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu nóng, chịu hạn và chịu rét rất tốt, giúp người làm chè có thêm thu nhập.
Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng chè, giá trị sản phẩm trà, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè an toàn gắn với chuyển đổi số để quản lý, truy xuất nguồn gốc và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè được đẩy mạnh theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè giống cũ, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới, trồng lại trên 500ha chè, nâng tổng diện tích chè giống mới đến nay đạt 18.376ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.
Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cây chè, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển ngành chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và đặc biệt, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác chè an toàn để nâng cao năng suất cho cây chè.
Hồng Vân
Bình luận