Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ bảy, 22/06/2024 07:06
TMO - Quảng Ninh là một trong những địa phương trên cả nước có ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Để phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất này.
Với hơn 43.000ha rừng ngập mặn, trong đó có trên 26.000ha có khả năng nuôi trồng thủy sản; gần 9.000ha bãi cao triều và trên cao triều... Quảng Ninh có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ bền vững môi trường biển, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản an toàn, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào quá trình chăm sóc, nuôi thuỷ hải sản.
Để ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng hiện đại hoá, hoạt động khuyến ngư của tỉnh Quảng Ninh còn tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, bước đầu góp phần thay đổi tư duy của ngư dân từ khai thác, từ nuôi trồng truyền thống sang kinh tế ngư nghiệp.
Bên cạnh đó nhiều tiến bộ, công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng, như công nghệ nuôi siêu thâm canh mật độ cao, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; quy trình nuôi tôm thâm canh tuần hoàn 2, 3 giai đoạn ít thay nước; quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ copefloc, biofloc; nuôi tôm sạch 5C.
Hay mô hình nuôi cá lồng trên biển, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ôxy hòa tan, thức ăn, sự phát triển của cá...; giúp tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Đơn cử như tại phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, hộ kinh doanh anh Lê Đức Mạnh là một trong số những hộ đẩy mạnh triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn. Dự án có mức đầu từ lớn trên 100 tỷ đồng, được kỳ vọng là mô hình nuôi tôm ao lớn cho sản lượng, giá trị cao. Đây là công nghệ nuôi ao lót bạt linh động và nuôi theo 3 giai đoạn. Đến thời điểm này, dự án đã đạt 80% khối lượng xây lắp, có thể thả nuôi những ao tôm đầu tiên vào tháng 12 năm 2024 và thả nuôi toàn phần vào năm 2025.
Người dân tỉnh Quảng Ninh áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất, giảm dịch bệnh. Ảnh: NT.
Không chỉ có Uông Bí, TP.Cẩm Phả cũng là một trong số những địa phương chú trọng đến đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản. Những năm qua, TP tập trung thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao, vật liệu nổi thân thiện môi trường, doanh nghiệp chuyển đổi số để nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng việc bảo vệ môi trường, tỉnh khuyến khích người dân chuyển từ phao nổi bằng xốp sang phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE. Nuôi biển, bằng nhựa HDPE giúp thân thiện với môi trường, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh. Khi tích hợp với các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi một cách tốt nhất.
Đối với TP.Cẩm Phả, trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, TP.Cẩm Phả dành trên 1.433ha để thu hút đầu tư ở các phường Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung. Đối với khu vực này, TP ưu tiên thu hút các dự án áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao để nuôi khép kín, sử dụng vật liệu nổi thân thiện môi trường, doanh nghiệp chuyển đổi số để nuôi trồng thủy sản.
Ngay từ tháng 4/2024, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã cấp phép nuôi trồng thủy sản cho 6 hợp tác xã, doanh nghiệp. Đây đều là những đơn vị có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh cho các hộ nuôi. Tăng cường chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và thúc đẩy tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết trong chuyển giao công nghệ.
Trong quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh sẽ những cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm lực kinh tế và công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao. Qua đó, để khoa học công nghệ thực sự là bệ đỡ cho ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ.
Tính đến năm 2023, diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 33.000ha với hơn 10.400 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có hơn 3.000 cơ sở nuôi tôm, gần 700 cơ sở nuôi cá biển, gần 1.400 cơ sở nuôi nhuyễn thể... Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt hơn 4.700ha. Các cơ sở nuôi biển đang dần tập trung vào quy trình nuôi tiến bộ, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm, như quy trình nuôi Biofloc, quy trình nuôi GlobalGAP, quy trình nuôi Semi - Biofloc …
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình nuôi trồng thuỷ hải sản nên tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn.
Để đẩy mạnh nuôi biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng ninh đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 10/8/2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh cũng quy hoạch, đồng thời ban hành nhiều văn bản khác về phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn, trong đó chú trọng điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển bền vững nuôi biển; đồng thời hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật cao.
Thu Hường
Bình luận