Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ bảy, 18/01/2025 06:01
TMO - Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, triển khai thành công quy trình sử dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại bảo quản hành tím, giúp giảm tỉ lệ hư hỏng của hành sau thu hoạch, đồng thời tạo thêm được nhiều chủng loại sản phẩm mới, giúp gia tăng giá trị của cây hành tím cho người dân.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sản xuất hành hàng năm của nước ta đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh (Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...); Trong đó, diện tích trồng hành tím tại Hải Dương đạt khoảng 5.700 ha, sản lượng 110 nghìn tấn và tại Sóc Trăng là khoảng 6.500 ha với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm khoảng 6.500 ha. Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ (áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học) hơn 1.150 ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 10,8 ha/23 hộ tại tổ hợp tác lúa – màu Cà Lăng B, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường 10-20 triệu/ha.
Qua số liệu, có thể thấy tổng diện tích trồng hành tím ở phía Nam là khoảng 7.000 ha tập trung chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, gây áp lực cho bảo quản sau thu hoạch. Trước thực tế trên, các nhà khoa học Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thực hiện thành công đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong bảo quản, chế biến hành tím (Allium ascalonium) tại tỉnh Sóc Trăng”.
Với quy trình công nghệ được xác lập, đề tài đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hư hỏng của hành tím sau thu hoạch, đồng thời tạo thêm được nhiều chủng loại sản phẩm mới, giúp gia tăng giá trị của cây hành tím cho người dân. Theo trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, Vĩnh Châu là huyện trồng hành tím nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích hơn 6.500 ha, trong đó có khoảng 5.000 ha trồng hành thương phẩm để lấy củ và 1.500 ha để lấy giống, sản lượng thu hoạch hơn 100.000 tấn/năm. Hành tím Vĩnh Châu nổi tiếng bởi kích thước lớn, có màu tím hoặc đỏ nhạt đặc trưng, tép to, vỏ mượt, độ giòn cao, mùi cay nồng nhưng không hắc, khi ăn có vị ngọt nhẹ rất đặc trưng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hành tím Vĩnh Châu chứa nhiều vitamin C, B6, B9, B3, canxi và chất xơ tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, thành phần tinh dầu trong hành tím có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp giảm lượng cholesterol và triglyceride, ngăn ngừa xơ cứng động mạch và giảm nguy cơ đột quỵ… Mặc dù mỗi năm có 2 vụ thu hoạch hành tím thương phẩm, nhưng do thời vụ thu hoạch ngắn trong khi nhu cầu sử dụng hành của người dân là quanh năm nên việc bảo quản và chế biến hành tím gặp nhiều khó khăn. Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, các biện pháp bảo quản hành chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát độ ẩm, chiếu xạ hoặc xông hơi bằng hóa chất.
Công nghệ hiện đại sẽ giúp người dân bảo quản hành tím sau thu hoạch trong thời gian dài hơn. (Ảnh minh hoạ).
Ở Việt Nam, hình thức bảo quản hành truyền thống là gác trên bếp để xông khói, thường được tiến hành thủ công ở các hộ gia đình. Bên cạnh đó còn có các biện pháp khác như dùng bột phấn trắng trộn với thuốc trừ sâu Mipcin, DDT, Sherpa rắc hoặc phun vào hành đã thu hoạch để bảo quản từ 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, các loại hóa chất này không chỉ làm giảm chất lượng sản phẩm mà còn gây mất an toàn thực phẩm khi để lại dư lượng lớn.
Bên cạnh đó, công nghệ chế biến hành tím còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở các sản phẩm hành sấy, hành muối và hầu hết được chế biến bằng phương pháp thủ công, quy mô nhỏ, kỹ thuật chế biến đơn giản nên sản phẩm tạo ra có thời gian bảo quản ngắn, chất lượng thấp, thậm chí không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết thêm, các quy trình công nghệ và thiết bị để bảo quản, chế biến hành tím từ nguyên liệu sản xuất dựa theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nghề sản xuất hành tím; xây dựng được quy trình công nghệ và thiết bị bảo quản hành tím ở điều kiện thường (nhiệt độ thường) trong thời gian tối thiểu 3 tháng, tỷ lệ hư hỏng không quá 15%.
Việc nghiên cứu bảo quản hành tím theo công nghệ mới sẽ giúp hành tím có thể tiêu thụ xa hơn, mở rộng và ổn định thị trường. Đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng hành tím có chất lượng tốt, an toàn. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hành tím phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu rất lớn vì hành tím hầu như chỉ được sản xuất ở Nam Bộ, thời gian bảo quản tự nhiên ngắn.
Quy trình công nghệ của đề tài có thể đáp ứng nhu cầu bảo quản tại chỗ cũng như trong quá trình vận chuyển. Nhóm nghiên cứu đã xác định được các biện pháp xử lý cận thu hoạch nhằm hạn chế bệnh hại và xác định độ già thu hái thích hợp gồm: Chế phẩm Trichoderma phun với liều lượng 1 kg/1000 m2 cho hiệu lực khá tốt đối với bệnh thối củ do vi khuẩn và nấm hại hành tím ngoài đồng.
Về chế phẩm Trichoderma với liều lượng phun là 1 kg/1000 m2, phun định kỳ 1 lần/tuần sẽ có hiệu quả phòng trừ bệnh cao, giúp giảm tỷ lệ hành bị nhiễm bệnh; độ già thu hoạch thích hợp đối với hành tím là 70-75 ngày sau khi trồng. Nhóm xác định được điều kiện tự làm lành vết thương thích hợp cho củ hành tím sau thu hoạch ở nhiệt độ 30±1 độ C, độ ẩm 70-75%. Sau 5 ngày, củ hành tím sẽ lành những vết trầy xước hoàn toàn, do đó giúp tăng khả năng bảo quản trong thời gian dài ngày. Việc dùng phương pháp sấy bằng năng lượng mặt trời (sử dụng nhà màng) để làm khô hành tím trước khi bảo quản có hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp này giúp giảm thiểu thời gian sấy, hạn chế sự nhiễm tạp vi sinh vật, đồng thời hạn chế thấp nhất sự tổn thất các hoạt chất tự nhiên có trong hành tím. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao khả năng bảo quản cho hành tím. Nhóm thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị bảo quản hành tím ở nhiệt độ thường với quy mô 10 tấn. Thiết kế, chế tạo được hệ thống sấy hành tím hỗn hợp bơm nhiệt và vi sóng cho chế biến: Hành lát khô và bột hành khô.
Việc ứng dụng thành công khoa học, kỹ thuật hiện đại trong bảo quản hành tím đã góp phần bảo vệ sản lượng hành sau thu hoạch trong thời gian dài hơn, tỷ lệ hao hụt thấp, giữ nguyên được màu sắc ban đầu và phòng trừ sâu đục củ…từ đó giúp tăng cường và phát triển mối liên kết trong nghiên cứu, sản xuất giữa người dân trồng hành và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Thành công của nghiên cứu đã mở ra nhiều triển vọng bảo quản hành tươi ngon lâu dài cho người nông dân tại Sóc Trăng nói riêng và toàn bộ người dân trồng hành trên cả nước nói chung.
Mỹ Lệ
Bình luận