Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 24/10/2024 12:10
TMO - Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cho nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Do đó, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI trong dự báo, cảnh báo sớm thiên tai là chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Theo các chuyên gia, miền Bắc nước ta vừa trải qua một thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ và tàn phá, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn bao trùm miền Bắc, lũ lịch sử trên các dòng sông và ngập lụt ở 21 tỉnh/thành phố. Hậu quả để lại vô cùng to lớn và tang thương. Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính trên 81.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng dị thường, khốc liệt hơn nữa. Bởi vậy, cần có các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo Cục Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, cơn bão số 3 - Yagi có nhiều điểm đặc biệt, kỷ lục, bất thường. Trong 48 tiếng, cơn bão này tăng cấp nhanh nhất đến 8 cấp. Đây cũng là siêu bão có hoàn lưu rộng nhất được ghi nhận trên biển Đông, từ trước đến nay, đến thời điểm này có thể khẳng định, cơn bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Đây cũng là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.
Có thể so sánh với năm 2017, có nhiều bão đổ bộ nhưng tổng thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sức tàn phá của cơn bão Yagi vừa qua là hết sức khủng khiếp và diện rộng. Bên cạnh đó, hoàn lưu sau bão cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam bị thiệt hại nặng nề bởi lũ quét, sạt lở đất.
Đại diện Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) cho biết, nguyên nhân gây sạt lở đất, lũ bùn đá ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam trong thời gian qua rất đa dạng. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân như: Địa hình, địa mạo, địa chất, kiến tạo, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, khí tượng, thủy văn... Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở đất, lũ quét được xác định chủ yếu là do yếu tố khí tượng: Mưa lớn, mưa dài ngày.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan kích hoạt sạt lở đất do con người ngày càng gia tăng như: Sử dụng đất trồng cây thay đổi thảm phủ thực vật, xây dựng các công trình, phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi làm đường, mở rộng đường, khai thác khoáng sản…Các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam do có nhiều yếu tố và tác động của tự nhiên, nhân sinh.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cảnh báo sớm là giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Phương châm là: Dự báo sớm, chi tiết và tin cậy hơn.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn đưa ra các giải pháp quan trọng gồm, thứ nhất, cần càng nhiều số liệu thì càng dự báo tốt. Cần đặt quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn nhất là vùng núi. Thứ hai, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm. Phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0 đặc biệt AI trong loại hình cảnh báo sớm. Trong đó đồng thời sử dụng 1 lúc các sản phẩm khác nhau, để đưa ra được thông tin tin cậy nhất.
Thứ ba, khí tượng thủy văn là không biên giới nên cần hợp tác và chia sẻ dữ liệu quốc tế. Tận dụng công nghệ tiên tiến trên bình diện song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới. Thứ tư, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến người dân. Tổng thể trong năm 2024 cũng là một năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra các vụ sạt lở đất.
Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và các tập đoàn viễn thông rà soát, đánh giá lại thông tin dữ liệu, hệ thống quan trắc, hạ tầng mạng viễn thông công cộng phục vụ kết nối từ Trung tâm thông tin đến các bộ, cơ quan, địa phương và thực địa, đặc biệt trong điều kiện khí tượng thủy văn nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đề xuất cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bảo đảm thông tin, dữ liệu, hạ tầng kết nối đồng bộ, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu, xây dựng, phát triển phần mềm mô phỏng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo, hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, ra quyết định.
Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn thông tin thêm, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn chọn cảnh báo sớm là giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Để có thêm số liệu phục vụ cho dự báo, cần tăng cường hệ thống radar, nhằm giảm bớt sai số. Đây là công việc không thể có sớm trong ít ngày. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, ứng dụng AI vào cảnh báo sớm; đồng thời, cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu, tận dụng công nghệ tiên tiến của các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.
Với những kết quả mà AI mang lại cho thấy, việc sử dụng công nghệ vũ trụ, giai đoạn trước thiên tai có chức năng nhận diện nguy cơ, cảnh báo, cung cấp thông tin cho ngành Khí tượng Thuỷ văn hay trong thiên tai là cơ sở quan trọng để có thể cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, từ đó có giải pháp, kế hoạch ứng cứu kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đức Minh
Bình luận