Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 04/07/2024 08:07
TMO - Thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu chung của cả nước trong đó có cả tỉnh Vĩnh Phúc. Nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng phần mềm sổ tay điện tử, hỗ trợ quy trình kỹ thuật trong nông nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt gần 6.500 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch năm, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản với chi phí thấp nhất, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng các mô hình áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất. Và phần mềm sổ tay điện tử hỗ trợ quy trình kỹ thuật trong sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng sổ tay điện tử nông nghiệp nhằm giúp bà con nông dân giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch bệnh tốt trong quá trình sản xuất. Cùng với quá trình chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số; triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; đẩy mạnh đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng; xây dựng các ứng dụng số để tổng hợp, phân tích, dự báo các chỉ số, cảnh báo dịch bệnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến để tiết kiệm nước trong mùa khô, nắng nóng. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật...góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bảo vệ sức khỏe người dân.
Mô hình trồng dưa công nghệ cao tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HS.
Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp được người dân tích cực hưởng ứng, không chỉ người dân mà các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại – đây là những công cụ đắc lực để các nhà nông chăm sóc, theo dõi, quản lý cây trồng. Chỉ bằng ứng dụng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký mã số, mã vạch, tạo thuận tiện trong giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như một số doanh nghiệp tại thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên) đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trồng nhân sâm Hàn Quốc. Công nghệ này hoàn toàn làm chủ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm cần thiết để tạo môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, giúp nâng cao phẩm cấp, hàm lượng dinh dưỡng của cây, đặc biệt là hàm lượng Saponin trong cây ngang bằng với cây được trồng tại khí hậu lạnh của Hàn Quốc.
Cùng với đó các hợp tác xã của tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường ứng dụng công nghệ như mô hình cánh đồng sử dụng công nghệ (GloBalcheck) trong khâu cày bừa, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) với quy mô diện tích 1,5 ha, sử dụng giống lúa lai F1 GS999.
Việc tích hợp các thiết bị tự động hóa, giúp cho máy làm đất, máy cấy có thể hoạt động tự do ngay cả trong đêm tối mà các máy thông thường không thể hoạt động được. Với thiết bị tự động hóa này thì chỉ cần một người cũng có thể vừa điều chỉnh máy vừa tiếp mạ, qua đó giúp các thành viên HTX giảm nhân công lao động, giảm giống, lượng phân bón, thuốc BVTV, hạn chế sâu bệnh trên đồng ruộng; đồng thời giảm áp lực thời vụ.
Quá trình số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng, mang lại hiệu quả tích cực. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.
Nhờ đó, việc triển khai, tập trung xây dựng các phần mềm sổ tay điện tử (dạng app mobile) và kết nối cơ sở dữ liệu giúp nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tra cứu các quy trình kỹ thuật sản xuất, thủ tục hành chính, dự tính, dự báo và hướng dẫn phòng trừ sinh vật có hại đối với cây trồng, vật nuôi; kết nối thị trường vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm…cho sản phẩm nông nghiệp của người dân được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó sẽ là bệ phóng để tiếp tục triển khai hệ thống tư vấn nông nghiệp trực tuyến, kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp; xây dựng hệ thống IoT quan trắc khí tượng, mực nước, lưu lượng, chất lượng nước.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ thông minh ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại các tỉnh thành trên cả nước. Sự đầu tư cho các máy móc hiện đại, tạo lập triển khai sổ tay điện tử trong nông nghiệp sẽ luôn cần thiết vì chúng mang lại những thông tin bổ ích, tạo nhiều thuận lợi về số liệu, hay tiến trình chăm sóc phát triển của cây trồng, vật nuôi. Từ đó người dân có thể tự chủ động kế hoạch chăm bón mà không cần phụ thuộc vào thời tiết tự nhiên.
Minh Hoà
Bình luận