Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ ba, 25/07/2023 14:07
TMO - Trữ nước, giữ ngọt ở lưu vực sông Cửu Long là cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mặn, các giải pháp trữ nước nếu được triển khai hiệu quả, giảm đáng kể căng thẳng về tài nguyên nước tại các địa phương trong vùng.
Trong thời gian vừa qua, các địa phương tại lưu vực sông Cửu Long (LVSCL) đã khá chủ động trong việc phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, tích cực thực hiện các biện pháp trữ ngọt và ngăn mặn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp trữ ngọt trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Đồng Tháp, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, bố trí ngân sách nhằm sửa chữa, nâng cấp cống tưới tiêu kết hợp ụ bơm. Ngoài ra, hệ thống các đập tạm do người dân địa phương làm, hệ thống trạm bơm hút nước trữ trên các ao quy mô nhỏ, hộ cá thể cũng đã phát huy hiệu quả trữ nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, do điều kiện tự nhiên Đồng Tháp là tỉnh đồng bằng có rất nhiều kênh rạch chằng chịt, nên việc xây hồ trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu là tương đối khó thực hiện. Tuy nhiên, phương án xây hồ trữ nước ngọt tích nước trong mùa lũ và sử dụng nước trong mùa khô cấp nước sinh hoạt, là đầu vào cho Nhà máy cấp nước sinh hoạt tại chỗ mang tính khả thi cao.
Đối với tỉnh Bến Tre, tỉnh đã vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng 800.000 m3 nước, đã tạo được nguồn cung nhất định cho các nhà máy nước sinh hoạt phục vụ 200.000 người dân thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Tuy nhiên, trong mùa khô hạn 2019-2020, do hạn mặn kéo dài, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã thiếu nước trầm trọng. Đập Cống Ba Lai, ngăn sông Ba Lai đưa vào sử dụng năm 2002, nhằm mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo 115.000 héc ta đất tự nhiên thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre. Thế nhưng những hệ lụy khác cũng đã xuất hiện, thậm chí có thể phải bỏ ra khoản vốn rất lớn để khắc phục.
Các địa phương triển khai giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt bằng việc đưa vào sử dụng các đập ngăn mặn, hồ chứa nước. Ảnh: VS.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang, chưa có hồ trữ nước cụ thể. Các công trình trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các công trình thủy lợi hồ chứa đập dâng vừa hoặc nhỏ như công trình hồ chứa Soài So, Ô Tà Sóc, Ô Thum, Soài Chék (Huyện Tri Tôn); Ô Tức Sa, Thủy Liêm 1, Thanh Long (Huyện Tịnh Biên) với loại hình cung ứng dịch vụ chủ yếu là du lịch, phòng chống cháy rừng và sản xuất nông nghiệp, phục vụ các khu tưới từ 40-300ha.
Một số công trình hồ chứa nhỏ do khai thác đá tạo thành, khai thác mạch nước ngầm, tự đào, mạch nước ngầm quanh năm, không có quy trình quản lý, vận hành, với loại hình cung ứng dịch vụ chủ yếu du lịch và phòng chống cháy rừng như hồ Tà Pạ, Latina (Huyện Tri Tôn), hồ An Hảo, Cây Đuốc và Chùa Rô (Huyện Chùa Rô). Tỉnh kiến nghị hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án hồ chứa trữ lũ, trữ nước vùng núi phục vụ phần lớn đồng bào dân tộc Khmer canh tác bao gồm: Dự án hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng biến đổi khí hậu; Dự án các hồ chứa trữ lũ phục vụ chia sẻ nguồn nước cho khu vực; Xây dựng các hồ trữ nước tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; mở rộng đập Tha La - Trà Su, An Giang nhằm tăng lượng nước tưới cho các khu tưới; mở rộng và cải tạo các khu đất ngập nước tinh An Giang.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, một số hồ trữ nước ngọt đã được xây dựng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu Đô thị Rạch Giá và các khu lân cận như Hồ Vĩnh Thông (553.000 m3), Hồ Đông Hà Tiên (1.000.000m3), hồ Kiên Lương (3.000.000m3). Tỉnh kiến nghị đầu tư xây dựng hồ trữ nước cho các trạm đang sử dụng nguồn nước mặt để xử lý nước cấp cho nhân dân cụ thể ở các khu vực không sử dụng được nước ngầm như xã Tân Hiệp, Gò Quao, Hòn Đất.
Tại Cà Mau, do đặc thù tỉnh Cà Mau sử dụng nước mưa để phục vụ sản xuất, không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, nên tỉnh đã đầu tư các hồ chứa nước mưa ở các vùng phù hợp như U Minh Thượng, U Minh Hạ; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa. Hàng năm vào mùa khô người dân thuộc vùng U Minh hạ tỉnh Cà Mau thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Hầu hết người dân tại đây khoan giếng nước ngầm để khai thác sử dụng cho sinh hoạt, nhưng không phải địa phương nào khoan giếng cũng thu được nước ngọt nên tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt thường xuyên xảy ra. Hồ chứa nước ngọt tại huyện U Minh có diện tích 102ha dung tích thiết kế là 3,85 triệu mét khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân huyện U Minh và vùng phụ cận đã được đưa vào sử dụng từ tháng 1 năm 2022.
Công trình hồ chứa nước ngọt U Minh Hạ ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, còn trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân. Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về thì hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở lưu vực sông Cửu Long diễn biến ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng, các giải pháp trữ nước đã và đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện là những biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, đến nay ở LVSCL chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên vùng, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển LVSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc xây dựng giải pháp trữ nước tổng thể cho toàn vùng là một yêu cầu cấp thiết.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long nhấn mạnh đến giải pháp trữ nước tổng thể cho LVSCL đáp ứng yêu cầu cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên vùng, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển LVSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQCP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phù hợp với các quy hoạch có liên quan ở LVSCL đã và sẽ được phê duyệt, sẽ là sự kết hợp linh hoạt của các giải pháp nêu trên, kết hợp với các kinh nghiệm tương tự trên thế giới.
Từ nay đến năm 2025, các địa phương trong vùng xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước LVSCL để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững LVSCL. Điều tra, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng của hệ thống công trình thủy lợi hiện nay của vùng dự án; nêu rõ các vấn đề đã làm được, còn thiếu sót cần giải quyết. Đặt bài toán các hồ chứa nước ngọt trong bài toán tổng thể, trong đó gồm nhiều bài toán có liên quan nhằm tìm ra các thông số thiết kế hợp lý để bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt chủ động phục vụ cho yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất và dân cư; kết hợp phát triển giao thông, dân cư; có tính đến hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với vùng thượng nguồn đồng bằng (An Giang, Đồng Tháp, Long An và một phần Kiên Giang): Áp dụng các biện pháp trữ nước trên các ao, hồ khu trũng sẵn có, kênh nội đồng, kênh cấp II, III. Đối với vùng trung tâm đồng bằng (Cần Thơ, Vĩnh Long, một phần Tiền Giang, một phần Kiên Giang): Có thể sử dụng các giải pháp trữ nước trên kênh rạch; xây dựng các hồ chứa qui mô nhỏ phục vụ cấp nước tại chỗ (ấp, xã) hoặc xây dựng các hồ chứa lớn cấp nước cho qui mô cấp huyện, tỉnh và cho các địa phương vùng ven biển.
Đối với vùng ven biển (Cà Mau, phần ven biển Kiên Giang, Cà Mua, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và một phần ven biển Tiền Giang): Sử dụng các biện pháp trữ nước mưa tại chỗ như trữ nước ở các bồn, bể, hầm chứa nước phục vụ sinh hoạt ở những nơi mà hệ thống cấp nước sinh hoạt chưa cấp tới. Làm hoặc nạo vét các ao, hồ chứa nước qui mô vừa và nhỏ trữ nước mưa phục vụ cấp nước qui mô cấp ấp, xã, huyện hoặc tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên.
Các địa phương trong vùng xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước LVSCL để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô.
Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục rà soát triển khai tiến hành xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình trữ nước đã có quy hoạch và đã được phê duyệt đầu tư xây dựng. Tiến hành điều tra khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa, đập dâng và các công trình trữ nước phù hợp khác. Giai đoạn sau năm 2030, tiến hành thiết kế, thi công xây dựng các công trình trữ nước đã được phê duyệt đầu tư xây dựng. Xây dựng hoàn thiện, đưa vào vận hành các hạng mục công trình trữ nước và khảo sát xây dựng bổ sung trong các trường hợp cần thiết và phù hợp với các quy hoạch vùng, tỉnh. Vận hành điều tiết các công trình trữ nước đảm bảo cung cấp nước đủ trong mùa khô và đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
Lưu vực sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.945 km2 , bao gồm: 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. LVSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tiềm năng nông nghiệp lớn, trong nhiều năm qua, LVSCL luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Nguồn nước LVSCL được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3 , trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên LVSCL khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về LVSCL khoảng 441 tỷ m3 .Hiện nay, LVSCL đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mekong.
Thu Thảo
Bình luận