Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 02/12/2023 04:12
TMO - Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đáng báo động, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Thời gian gần đây, kết quả quan trắc chất lượng không khí tại nhiều điểm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt,… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
Trước tình trạng đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn tỉnh, thành phố và thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu. Ảnh: ĐH.
Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.
Tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch để ban hành thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chăn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đính khác, hạn chế tình trạng đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình phá rỡ, công trình xây dựng,…).
TP. Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí thời gian qua.
Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Cụ thể, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội bắt đầu 22/11 kéo dài đến hôm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng này bao phủ tất cả các quận, huyện, đặc biệt là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng...
Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), của PAM Air hay Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua phổ biến ở ngưỡng rất xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường, thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe). Đáng lưu ý, một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận ô nhiễm ở mức nguy hại với chỉ số AQI từ 300 trở lên - mức nguy hiểm đến sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Ở hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng cũng bị ô nhiễm không khí đến mức nghiêm trọng. Hệ thống quan trắc của các đơn vị thường xuyên ghi nhận ô nhiễm không khí tới mức rất xấu. Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí thời gian vừa qua tại nhiều điểm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là thành phố Hà Nội có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng và các chuyên gia chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nhiều giải pháp. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.
Thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải triển khai Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030"; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.
Thùy Chi
Bình luận