Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 13/03/2024 14:03
TMO - Việc gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đòi hỏi công tác thu gom, xử lý cần được triển khai hiệu quả. Việc quản lý và giảm thiểu loại chất thải này cần những mô hình và giải pháp tối hiệu quả nhất.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn lớn, phát sinh từ các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp. Theo thống kê cho thấy, đến cuối năm 2023, cả nước phát sinh khoảng 24,5 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc hiện có 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có phát điện; 7 dự án đốt rác phát điện; 476 cơ sở đốt chất thải rắn không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Về công nghệ xử lý, theo số liệu năm 2019 có 70% rác thải chôn lấp, con số này hiện đã giảm xuống còn khoảng 64%. Các địa phương đã rất nỗ lực để giảm tỷ lệ này. Theo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, mục tiêu đến năm 2030 toàn quốc giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp xuống còn dưới 30%. Đây là áp lực rất lớn cho ngành và các địa phương bởi thời gian qua Bộ TN&MT đã quan tâm chỉ đạo sát sao mới giảm được 6%.
Ngoài ra, chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay có khoảng 20% là chất thải có thể tái chế; 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas... còn lại là chất thải khác đem thiêu đốt thu nhiệt hoặc chôn lấp. Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.
Mặt khác, trong các loại chất thải thì chất thải rắn sinh hoạt khó quản lý và xử lý triệt để nhất do ý thức của đa số người dân còn chưa cao, hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong các năm gần đây và nhiều nơi không thể tìm thêm được địa điểm chôn lấp mới trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Việc gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đòi hỏi công tác thu gom, xử lý cần được triển khai hiệu quả.
Ðể giải quyết vấn đề chất thải rắn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan. Điều đáng lưu ý là nước ta cũng như nhiều nước trong khu vực đang từng bước chuyển dịch từ các mô hình "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn" với mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, quản lý, tái sử dụng, tái chế (Điều 142). Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các điều, khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP), mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.
Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Cùng với các địa phương trên cả nước, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, tất cả các thành phố, huyện, thị xã, 10 đơn vị hành chính trên địa bàn đều có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, đầu tư các lò đốt rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 về các việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như kế hoạch phân rác tại nguồn.
Bên cạnh đó, về cơ chế, địa phương cũng luôn tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ, khuyến khích các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực tái chế đầu vào, thực hiện thí điểm Đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp phân tách chất thải nhựa và vi sinh. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình về thu gom xử lý, tái chế và hạn chế rác thải nhựa hiệu quả như: Mô hình chống rác thải nhựa trên đảo Cồn Cỏ, Mô hình hạn chế sử dụng túi ni-lông; Mô hình thu gom ve chai; Mô hình hạn chế sử dụng đồ nhựa, bao bì, ni-lông và nhiều mô hình tiêu biểu hiệu quả khác của các tổ chức đoàn thể phát động… đã giảm thiểu phần nào rác thải nhựa trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua vào năm 2020, bên cạnh các quy định về phân loại, thu gom và xử lý chất thải thì cũng đã đưa ra cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm làm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2023 ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường.
Theo đó, bao bì nhựa thân thiện với môi trường gồm các loại bao bì nhựa phân hủy sinh học; bao bì nhựa tái chế được sản xuất với nguyên liệu chính là nhựa polyethylene (nhựa PE) hoặc polypropylene (nhựa PP), có dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi) hoặc dạng màng để có thể bao bọc, che phủ, chứa đựng và bảo vệ giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt hoặc trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng...
Bộ TN&MT cũng đang tích cực xây dựng các bộ tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam cho các sản phẩm, quá trình công nghiệp khác, nhằm sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người.
Việc nâng cao năng lực xử lý hiệu quả đặc biệt là công nghệ tái chế, hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt hiện đại cần được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt việc phát triển hạ tầng thu gom, tái sử dụng, tái chế cần chú trọng quy mô phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng khu vực, đô thị, địa phương; bảo đảm tính chuyên nghiệp và phát huy lợi thể của từng vùng. Tập trung phát triển công nghệ tái chế, hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt hiện đại. Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch cũng cần tính toán đến những người thu gom rác thải. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trên các nền tảng số, nền tảng xã hội; thay đổi cách thức để tạo sự thu hút với cộng đồng, xã hội về bảo vệ môi trường nói chung và rác thải nói riêng.
Các địa phương cần định hướng phát triển công nghệ theo thứ bậc ưu tiên: Tái sử dụng; Tái chế; Thu hồi nhiên liệu, nguyên liệu, năng lượng; Xử lý triệt để trước khi chôn lấp. Tổ chức thực hiện cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất PPI, thay đổi hành vi từ khâu thiết kế, sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng vật liệu nhựa, sử dụng một lần hướng tới vật liệu dễ tiêu hủy, tạo lập thị trường liên quan đến xử lý rác thải, trong đó có rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt. Đồng thời, tập trung thiết kế hệ thống quan trắc, đánh giá, cơ sở dữ liệu về rác thải, trong đó có rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải rắn, rác sinh hoạt. Hiện vấn đề của các địa phương là chưa có nhiều nhà máy lớn, chưa có nhiều khoa học tiến bộ. Vì vậy cần có kế hoạch trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đáp ứng quá trình phát triển, quá trình đô thị hoá hiện nay.
Thanh Nga
Bình luận