Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 12/03/2022 20:03
TMO - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.
Theo đó, đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu phosphate 22 lô (chiếm 34,3%), bệnh thủy sản 21 lô (chiếm 32,8%), vi sinh 9 lô (chiếm 14%), kim loại nặng 1 lô (chiếm 1,56%), ghi nhãn 2 lô (chiếm 3,12%). Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 12,5%) giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này (10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng số lô hàng bị cảnh báo).
Về giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi trồng, trong năm 2021, Cục đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả trên cho thấy, xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao.
Ảnh minh họa
Về kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu, trong năm 2021, 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đã thực hiện 123 đợt thanh tra, kiểm tra, phát hiện 55 cơ sở vi phạm, với trên 15 tấn tôm tang vật, xử phạt từ các cơ sở vi phạm gần 31 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đến nay cả nước có 352 cơ sở chế biến tôm được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Để thúc đẩy xuất khẩu tôm bền vững Cục yêu cầu các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Phát triển nuôi tôm hữu cơ, tôm sinh thái nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường bền vững. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.
Các địa phương, cần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm tôm nuôi) theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Liên tục cập nhật, phổ biến về quy định/yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhập khẩu, trước mắt tập trung tháo gỡ trong xuất khẩu thủy sản nuôi, tôm nuôi nói riêng vào Trung Quốc, và Australia...
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 237 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kết quả 2 tháng đầu năm 2022 lên 550 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Khánh Nam
Bình luận